Đảng bộ Hà Tĩnh với phong trào Xô viết

Những phong trào như “điện, đường, trường, trạm”, xóa nhà TTDN, xây dựng NTM cùng với các dự án kinh tế lớn có tầm cỡ quốc gia ở Khu kinh tế Vũng Áng, Khu Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo v.v... đang thức tỉnh tiềm năng, nội lực, tiếp tục làm bừng lên sức sống Xô viết, đưa tỉnh nhà từng bước “nổi bật lên” trên con đường trở thành tỉnh giàu mạnh...

Kỷ niệm 83 năm Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2013)

Đảng ta mới ra đời được hơn 3 tháng, Đảng bộ Hà Tĩnh chưa đầy 2 tháng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm nên phong trào Xô viết “long trời lở đất”. Ngày 3/2, Đảng Cộng sản thành lập thì ngày 1/5 đã phát động phong trào đấu tranh của công nhân ở Nam Định và Phú Riềng. Hưởng ứng chủ trương này, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 1/5 ở nhiều nơi trong tỉnh. Cùng với Nghệ An, ở Hà Tĩnh, cờ đỏ phấp phới bay từ rú Cơm (Nghi Xuân), địa đầu của tỉnh, đến Đò Trai (Đức Thọ), rú Nầm (Hương Sơn), trước cửa Tòa sứ (TX Hà Tĩnh); cùng với hàng ngàn tờ truyền đơn rải khắp nơi, từ Dị Long (Hương Sơn) đến Phù Lưu (Can Lộc), Phù Việt, Đan Hộ (Thạch Hà), Yên Dương (Cẩm Xuyên)… Nội dung truyền đơn nêu rõ: “Phải giương cao ngọn cờ đấu tranh đến toàn thắng”, “Phải thị uy đấu tranh đến khi cướp được chính quyền mới thôi”. Lời kêu gọi đó hợp với lòng dân nên được dân hưởng ứng và tự nguyện đi theo dưới ngọn cờ của Đảng.

Như phản ứng dây chuyền, đến đầu tháng 7/1930 đã có những cuộc tuần hành rầm rộ với quy mô cấp thôn, xã, liên xã như ở Khố Nội, Ốc Khê (Can Lộc); Đan Chế, Phù Việt (Thạch Hà)… Ở nhiều thôn đã ra đời đội tự vệ, xích vệ đỏ. Điều nổi bật là, từ trong phong trào quần chúng mà tổ chức Đảng mạnh lên, đã xuất hiện những nhân tố mới để kết nạp vào Đảng. Nhiều tổ chức Đảng ở cơ sở ra đời, các huyện ủy lâm thời ở Kỳ Anh, Hương Khê… được thành lập để lãnh đạo phong trào. Riêng Cẩm Xuyên vào ngày 17/7/1930 đã tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện bầu ra BCH chính thức.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, mục tiêu đấu tranh của quần chúng đã mang tính chính trị rõ ràng. Thông báo của Tỉnh ủy ghi rõ: “Các cuộc biểu tình bãi công phải có tính chất hoàn toàn chính trị, mục đích là đòi một số quyền lợi và đời sống kinh tế”. Với phương thức đấu tranh: “Các cuộc tập trung phải được tổ chức để kéo đến những chỗ cơ quan hành chính của chính quyền thực dân để biểu tình, biểu dương lực lượng…”. Chủ trương này của Tỉnh ủy đã nhanh chóng được các cấp ủy triển khai. Ngày 1/8/1930, đồng loạt quần chúng trong toàn tỉnh rầm rộ kéo nhau đi tuần hành, biểu tình. Ở Can Lộc, đoàn biểu tình tập hợp hàng ngàn người từ tổng Phù Lưu, Lai Thạch kéo về Hạ Vàng rồi tiến thẳng vào huyện đường. Tri huyện Can Lộc phải cúi đầu chấp nhận bản yêu sách của quần chúng. Ở Nghi Xuân, Hương Khê, Đức Thọ, Kỳ Anh, quần chúng đều kéo đến huyện đường đòi yêu sách. Có nơi như Kỳ Anh đã treo cờ đỏ ở cổng huyện đường. Sự kiện quan trọng này chứng tỏ Đảng đã kịp thời nắm bắt được phong trào, tiếp tục lãnh đạo quần chúng nhân dân chuẩn bị cho cao trào cách mạng mới.

Di tích Bến đò Thượng Trụ - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh tháng 3/1930. Ảnh: Thanh Hoài
Di tích Bến đò Thượng Trụ - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh tháng 3/1930. Ảnh: Thanh Hoài

Đến tháng 9/1930, Đảng bộ Hà Tĩnh đã có 376 đảng viên có mặt ở hầu hết các làng xã trong tỉnh để lãnh đạo phong trào. Bước tiến lớn về tổ chức là Đảng bộ Hà Tĩnh đã tiến hành được đại hội để bầu ra BCH chính thức và đề ra chủ trương phát động quần chúng gắn liền đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang: “Cuộc đấu tranh cần có vũ trang bằng các loại vũ khí như gậy, kiếm, dao cùng với các tổ tự vệ hỗ trợ quần chúng đấu tranh”. Chủ trương của đại hội nhanh chóng đi vào cuộc sống với khí thế ào ào như nước vỡ bờ. Từ cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11) và ngày Quảng Châu Công xã (12/12), đến cuối năm 1930, đầu năm 1931, hầu hết các làng xã trong tỉnh đã nổi dậy tấn công vào dinh lũy của kẻ thù. Ở nhiều nơi, chánh tổng, lý trưởng bỏ trốn, hoặc ra đầu hàng, xin giao sổ sách, con dấu cho nông hội. Trước tình hình đó, Đảng đã quyết định đưa phong trào đến đỉnh điểm, giành chính quyền về tay nhân dân và lập nên các xô viết. Theo số liệu còn lưu giữ, đến đầu 1931, toàn tỉnh ta đã có 170 làng Xô viết. Đây là chính quyền công nông đầu tiên trong lịch sử không chỉ ở Việt Nam mà đối với các nước thuộc địa trên thế giới. Thắng lợi này có ý nghĩa to lớn, tỏ rõ năng lực và tầm vóc của một đảng kiểu mới đứng ra lãnh đạo và tổ chức phong trào, biết nắm bắt tình huống cụ thể để đứng lên giành chính quyền.

Rất tiếc là do thời điểm lịch sử chưa đến, tương quan lực lượng chưa cho phép; do còn thiếu kinh nghiệm và chưa được chuẩn bị đầy đủ trước khí thế của phong trào; thời cơ cách mạng chưa đủ chín muồi để giành và giữ được chính quyền, nên Xô viết chỉ ra đời trong một thời gian ngắn thì bị địch đàn áp dã man và không tồn tại được lâu. Dẫu vậy, giai đoạn lịch sử này là sự thăng hoa chói sáng, báo hiệu cho những thắng lợi tiếp theo trong tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát huy truyền thống Xô viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Tĩnh đã chủ động sáng tạo, nắm bắt thời cơ, là một trong 4 tỉnh đầu tiên

giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám. Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất trong cả nước chiến đấu kiên cường không cho giặc Pháp đứng chân được trên mảnh đất của mình trọn 24 tiếng đồng hồ. Trong chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh vừa là tiền tuyến của hậu phương lớn, vừa là hậu phương của tiền tuyến lớn, đã chiến đấu và chiến thắng chiến tranh phá hoại của địch, làm tròn sứ mệnh đảm bảo giao thông thông suốt chi viện cho chiến trường với đỉnh cao là chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập thống nhất nước nhà.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ Hà Tĩnh đang lãnh đạo nhân dân từng bước đưa tỉnh nhà thoát khỏi tỉnh nghèo. Những phong trào như “điện, đường, trường, trạm”, xóa nhà TTDN, xây dựng NTM cùng với các dự án kinh tế lớn có tầm cỡ quốc gia ở Khu kinh tế Vũng Áng, Khu Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo v.v... đang thức tỉnh tiềm năng, nội lực, tiếp tục làm bừng lên sức sống Xô viết, đưa tỉnh nhà từng bước “nổi bật lên” trên con đường trở thành tỉnh giàu mạnh.

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.