Khi mua xe máy điện, người dân cần đến cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký theo quy định
Thông tư số 15/2014/BCA nêu rõ, kể từ ngày 6/12/2015 đến hết 30/6/2016, tất cả các trường hợp đến các cơ quan chức năng như phòng CSGT, công an các huyện, thị, thành phố để làm thủ tục đăng ký sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất, kể cả các loại xe mô tô điện, xe máy điện không có các thủ tục cần thiết như hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, xe không có số khung, đặc biệt là được miễn lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký.
Nhưng, kể từ ngày 1/7/2016, để làm thủ tục đăng ký xe máy điện, các chủ phương tiện phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ như: phiếu xuất xưởng đối với xe trong nước, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu và phải nộp lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký. Sau ngày 1/7, người điều khiển xe máy điện tham gia giao thông nếu không hoặc chưa đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định.
Sau khi thông tư có hiệu lực, các cơ quan truyền thông đại chúng đã tập trung tuyên truyền để người dân biết và thực hiện quy định một cách nghiêm túc. Đến nay, sau hơn 4 tháng thực hiện thông tư của Bộ Công an, tỉnh ta đã tiến hành đăng ký và cấp biển cho 10.292 phương tiện xe máy điện. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ và điều tra thực tế thì phương tiện đã đăng ký còn rất khiêm tốn.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 40.000 xe máy điện và 60.000 xe đạp điện, đồng nghĩa với việc còn ¾ số phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký cấp biển số và đưa vào quản lý. Trong khi đó, thời gian Thông tư 15/2014/BCA quy định còn 2 tháng, nếu các chủ phương tiện không kịp thời làm thủ tục đăng ký cấp biển số thì hệ lụy không hề nhỏ.
Trung tá Lê Xuân Quý - Phó đội trưởng Đội Đăng ký phương tiện xe cơ giới, Phòng CSGT cho biết: Thời gian đầu khi Thông tư 15/2014/BCA có hiệu lực, mỗi tuần, Phòng CSGT tổ chức đăng ký cho gần 300 xe máy điện. Vì số lượng tương đối lớn, hơn nữa, do đặc thù của loại phương tiện này là phục vụ học sinh nên chúng tôi tổ chức đăng ký cả ngày thứ 7 nhưng càng về sau, số phương tiện đến làm thủ tục đăng ký càng ít dần. Thời điểm hiện nay, mỗi tuần chỉ có 15-20 phương tiện.
Trung tá Lê Xuân Quý khuyến cáo người dân nên tranh thủ thời gian đến cơ quan chức năng như công an huyện, thị xã và phòng CSGT để làm thủ tục đăng ký cấp biển số trước ngày 1/7/2016, sau thời gian này, nếu thiếu một trong các loại giấy tờ theo quy định sẽ trở thành xe không hợp lệ, khi lưu thông sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí, có thể bị tịch thu phương tiện…
Ông Phạm Duy Thắng - Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Qua kiểm tra và khảo sát của Ban ATGT, hiện nay, công tác tuyên truyền của các ngành chức năng, đặc biệt là công an các huyện, thị, thành phố còn hời hợt, thậm chí, có nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện tuyên truyền Thông tư 15/2014/BCA cho người dân biết và thực hiện một cách nghiêm túc, ngoại trừ Công an Thạch Hà và thị xã Hồng Lĩnh. Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ làm văn bản phát về công an các địa phương, Sở GD&ĐT nhằm nhắc nhở, tuyên truyền đến tận người dân để họ chấp hành đúng quy định, tránh tình trạng người dân phải gánh chịu hệ lụy vì thiếu thông tin.
Theo tìm hiểu của PV, hiện trên thị trường có rất nhiều loại xe máy điện với đủ chủng loại nhưng phần lớn không có các chứng từ theo quy định. Về vấn đề này, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, kể từ ngày 1/7/2016, người dân không nên mua các loại phương tiện xe máy điện, xe đạp điện không đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.