Đánh bại các đợt tấn công của thực dân Pháp từ phía biển

(Baohatinh.vn) - Ngày 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vâng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Tĩnh nhất tề đứng lên cùng với đồng bào cả nước “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”...

Hướng tới 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12 (1946-2016)

danh bai cac dot tan cong cua thuc dan phap tu phia bien

Nữ dân quân vùng biển kiên cường. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Cùng với những thành tích trên các địa bàn toàn tỉnh để bảo vệ vùng tự do, phải kể đến những chiến công mà lực lượng dân quân ven biển tỉnh nhà đã giành được trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ đầu năm 1946, khi thực dân Pháp ngày càng trắng trợn khiêu khích và lấn chiếm từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, nhân dân Hà Tĩnh luôn cảnh giác, bình tĩnh và sẵn sàng đánh địch, quyết tâm bảo vệ quê hương. Khẩu hiệu “Quân sự hóa toàn dân” được thực hiện triệt để. Nhân dân trong tỉnh nói chung, ven biển nói riêng vừa tích cực lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, vừa chăm lo luyện tập quân sự và tổ chức các hoạt động canh phòng, tuần tiễu, sẵn sàng đánh đuổi địch ra khỏi vùng đất quê hương. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến, việc bảo vệ bờ biển đã được các cơ quan lãnh đạo kháng chiến tỉnh đặt ra hết sức cấp thiết; người dân nêu cao cảnh giác, tích cực đánh địch đổ bộ trong mọi tình huống.

Trong những năm đầu kháng chiến, thực dân Pháp đã nhiều lần cho tàu chiến qua lại ngoài biển, dùng ca-nô chạy sát vào vùng Cửa khẩu Kỳ Anh, Cửa Sót Thạch Hà uy hiếp. Tháng 7/1948, chúng đã tiến hành đổ bộ lên vùng Phước Môn - Kênh Hà (Kỳ Anh) để thăm dò lực lượng ta nhưng vừa đặt chân lên bờ đã bị lực lượng dân quân du kích địa phương phát hiện, kịp thời chặn đánh, buộc phải vội vã rút chạy xuống tàu.

danh bai cac dot tan cong cua thuc dan phap tu phia bien

Lính đảo Sơn Dương luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương vùng biển Tổ quốc

Đặc biệt từ năm 1950, hòng giành lại thế chủ động trên các chiến trường, thực dân Pháp đã tập trung một bộ phận lực lượng chuyên đánh phá hậu phương của ta, trong đó, Hà Tĩnh là vùng trọng điểm. Trước tình hình đó, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh công tác phòng thủ mặt biển. Lực lượng dân quân ở các xã vùng biển được kiện toàn, mỗi địa phương đều có các đơn vị thường trực chiến đấu. Bà con ngư dân được tập hợp thành từng đoàn, từng tổ đi đánh cá để có thể hợp sức cùng dân quân đánh giặc. Công tác xây dựng làng xã chiến đấu dọc theo chiều dài 137 km bờ biển được đẩy mạnh. Dân quân tích cực rào làng, đào hào, đắp lũy, đặt vọng gác. Để hỗ trợ lực lượng dân quân, tỉnh đã điều động một số đơn vị bộ đội tăng cường phòng thủ những nơi xung yếu.

Nhờ tập trung lực lượng, chủ động phòng và chống địch, trong những năm từ 1948-1953, quân và dân Hà Tĩnh đã đánh bại 36 cuộc đổ bộ, càn quét của giặc Pháp từ biển vào. Nhiều trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt như trận Nam Bình (Thạch Hà) vào ngày 20/8/1953, quân ta tiêu diệt 6 tên địch, làm bị thương 15 tên khác; trận Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) vào ngày 4/9/1953, quân ta tiêu diệt 40 tên địch, làm bị thương 15 tên và bắt sống 13 tên. Đặc biệt, chỉ trong vòng 3 tháng (4, 5 và 6/1951), chúng đã đổ bộ vào bờ biển Hà Tĩnh 23 lần với quy mô từ 1 đại đội trở lên nhưng đều bị lực lượng dân quân địa phương dũng cảm chiến đấu tiêu diệt, đánh đuổi chúng ra khỏi mảnh đất quê hương.

Những trận chiến đấu chống địch đổ bộ đường biển thắng lợi của quân và dân Hà Tĩnh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp không chỉ bảo vệ vững chắc vùng tự do trong suốt cuộc kháng chiến mà còn có tác dụng to lớn cổ vũ tinh thần chống giặc của người dân Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung, góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.