Đầu năm, thăm Di tích Hầm Tỉnh ủy

(Baohatinh.vn) - Những ngày đầu năm mới Canh Tý, chúng tôi may mắn có dịp về thăm Di tích lịch sử Hầm Tỉnh ủy tại các xã Khánh Vĩnh Yên, Kim Song Trường thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Nhiều lần, trong những câu chuyện của các bậc cao niên, chúng tôi được nghe nhắc đến Hầm Tỉnh ủy với niềm tự hào khó tả.

Đường về di tích Hầm Tỉnh ủy những ngày đầu năm mới.

Đó là 2 căn hầm còn được lưu dấu tích tại thôn Phong Sơn, xã Yên Lộc (cũ) nay là xã Khánh Vĩnh Yên và thôn Đông Thạc, xã Trường Lộc (cũ) nay là xã Kim Song Trường.

Theo các tư liệu lịch sử ghi lại, đó là nơi bảo vệ an toàn, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo thông suốt và kịp thời cơ quan Tỉnh ủy.

Theo chân anh Đặng Văn Trà, công chức văn hóa xã Khánh Vĩnh Yên, chúng tôi tìm về thôn Phong Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên.

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Lan, thôn Phong Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Năm 1966, Tỉnh ủy Hà Tĩnh sơ tán về xã Yên Lộc (cũ). Nhân dân Yên Lộc lúc bấy giờ đã nhiệt tình giúp đỡ các đơn vị, cơ quan sơ tán. Từ nhường nhà, nhường đường, cấp vật liệu làm hầm đào, nhà công vụ, ủng hộ chè xanh, thực phẩm... Đặc biệt, người dân tuyệt đối giữ bí mật, góp phần bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sỹ”.

Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ câu chuyện

“Cũng thời điểm đó, Hầm Tỉnh ủy được xây dựng, tiếc là ngày đó tôi còn nhỏ. Đến nay, đã hơn 50 năm trôi qua, những thông số về hầm tôi nhớ không rõ nữa, chỉ biết là người lớn có thể đi bình thường ở trong hầm, không phải cúi người.

Cách đây độ hơn 20 năm, căn hầm vẫn là nơi để người dân tránh nắng, cho lũ trẻ chơi trốn tìm. Nay theo thời gian, mưa gió bồi đắp, cổng hầm đã dần bị lấp, người dân không thể đi lại trong hầm như trước” - bà Lan cho biết.

Lối vào Hầm Tỉnh ủy tại xã Khánh Vĩnh Yên.

Thông tin từ cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Yên Lộc (cũ), xuất bản năm 2014 cũng nêu rõ: “Từ ngày 28/8/1968, máy bay Mỹ liên tục đánh phá suốt 4 ngày đêm gây thương vong về người và thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đắc lực từ người dân, các cán bộ chủ trì của xã, đội sản xuất, đoàn thể đã góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, cơ quan Tỉnh ủy với hơn 200 cán bộ nhân viên đều an toàn ở hầm trú ẩn”.

Hầm Tỉnh ủy tại xã Kim Song Trường lẫn trong rừng cây, từng là nơi chở che, bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy.

Cách đó không xa, xã Trường Lộc (cũ) cũng được chọn làm địa điểm xây dựng căn hầm Tỉnh ủy. Đỉnh đồi Phượng Sơn ở xóm Đông Thạc được chọn làm nơi xây dựng Hầm, nơi đây là một trong “Bát cảnh Trường Lưu” nổi tiếng từ thế kỷ XVIII, một vùng đất gần dân, nằm trên đồi cao, nếu đào hầm sâu thì thoát nước dễ dàng xuống đồng ruộng kể cả 2 phía Tây và Đông…

Theo lịch sử ghi chép lại, hầm được khởi công xây dựng từ tháng 1/1972 đến tháng 9/1974 thì hoàn thành. Hầm được xây dựng bằng bê tông cốt thép đảm bảo kỹ thuật, có chất lượng cao, có đủ chỗ họp, ăn, nghỉ cho lãnh đạo cấp cao của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lục vẫn còn nhớ nơi con đường thoáng đẹp hôm nay từng có kênh đào ngầm thông ra 2 phía Đông, Tây.

Ngày 20/6/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho Hầm Tỉnh ủy tại Trường Lộc (cũ).

Bà Nguyễn Thị Lục, thôn Đông Thạc, xã Kim Song Trường chia sẻ: “Lịch sử đã trôi xa, nhưng những câu chuyện về Hầm Tỉnh ủy luôn ở trong lòng nhân dân chúng tôi. Đó là dấu ấn lịch sử tốt đẹp trong thời chiến tranh gian khó nhưng đầy dũng cảm, kiên cường. Tôi vẫn thường nhắc con cháu về những câu chuyện lịch sử, để thế hệ sau thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước; đặc biệt trong những thời khắc lịch sử như thế này - khi mùa xuân đến, Đảng ta thêm một tuổi”.

Hầm Tỉnh ủy Hà Tĩnh dài 172,5m; sâu 14m so với mặt đất, có 2 phòng họp rộng 82,9 m2; 5 phòng ở và làm việc, mỗi phòng rộng 5,4m2; 1 giếng nước; 1 nhà tắm rộng 6,6m2; 1 nhà vệ sinh rộng 3,9m2; 2 cửa thoát hiểm; 2 kênh đào ngầm thông ra 2 phía Đông, Tây.

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Chủ đề 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói