Chuyện người phụ nữ Hà Tĩnh thờ người yêu của chồng

(Baohatinh.vn) - Từ khi ông Nguyễn Đức Hồng mất, bà Võ Thị Minh (Can Lộc, Hà Tĩnh) thay chồng hương khói cho liệt sĩ Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Liệt sĩ Võ Thị Tần là người yêu cũ của chồng bà Minh.

Trong căn phòng nhỏ ở tầng 2 ngôi nhà của bà Võ Thị Minh (SN 1949, trú thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), di ảnh liệt sĩ Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc được đặt trang trọng bên cạnh bàn thờ tổ tiên gia đình.

Chuyện người phụ nữ Hà Tĩnh thờ người yêu của chồng

Vợ chồng bà Võ Thị Minh thờ liệt sĩ Võ Thị Tần hàng chục năm. Nay khi chồng mất, bà Minh vẫn thắp hương, làm giỗ cho nữ liệt sĩ

Bà Minh chia sẻ, chồng bà – ông Nguyễn Đức Hồng (SN 1943, trước đây là người yêu cũ của liệt sĩ Võ Thị Tần) qua đời đầu năm 2018. Bàn thờ ông Hồng đang được đặt tạm ở phòng phía dưới. Tới khi mãn tang, bà sẽ dời ảnh của ông lên đặt cạnh bà Tần cùng gia tiên.

Thắp nén nhang lên bàn thờ liệt sĩ Võ Thị Tần, bà Minh tâm sự rằng không nhớ rõ đã đưa di ảnh của Tiểu đội trưởng 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc, về thờ ở nhà mình bao nhiêu năm.

“Hồi xưa nhà tranh lụp xụp thì hai vợ chồng tôi chưa dám, chỉ tới khi xây được căn nhà khang trang hơn một chút thì chúng tôi mới đưa di ảnh của bà Tần về thờ. Vì già rồi nên xây nhà mới từ năm nào tôi cũng không nhớ nổi nữa”, bà Minh tâm tình.

Theo bà Minh, trước lúc lập gia đình cùng ông Nguyễn Đức Hồng, có nghe ông nhắc về mối tình dang dở với liệt sĩ Võ Thị Tần. Tuy hai người không thể tới với nhau nhưng ông Hồng luôn đối xử có tình nghĩa với gia đình bà Tần và được họ coi như con cháu trong nhà. Chính cha của liệt sĩ Tần là người đứng ra mai mối cho bà Minh và ông Hồng nên duyên vợ chồng.

“Tôi rất cảm thông và trân trọng tình cảm của hai người. Từ ngày về làm dâu nhà chồng, tôi luôn coi gia đình bà Tần là gia đình của mình, người thân của bà Tần là người thân của mình. Khi chồng muốn đưa di ảnh của bà Tần về thờ trong nhà, tôi rất ủng hộ”, bà Minh nói và cho biết thêm, khi ông Hồng còn sống, mỗi khi gia đình liệt sĩ Võ Thị Tần có việc gì là hai vợ chồng bà đều có mặt từ sớm để phụ giúp công việc.

Chuyện người phụ nữ Hà Tĩnh thờ người yêu của chồng

Bà Võ Thị Minh: "Từ ngày về làm dâu nhà chồng, tôi luôn coi gia đình bà Tần là gia đình của mình..."

Bà Minh kể: “Cứ vào ngày 24/7 hàng năm, khi lễ giỗ 10 nữ anh hùng liệt sĩ được tổ chức ở Ngã ba Đồng Lộc, hai vợ chồng tôi thường chở nhau lên thắp hương cho mọi người rồi sau đó về nhà làm giỗ riêng cho bà Tần”.

Bà Võ Thị Minh và ông Nguyễn Đức Hồng lấy nhau năm 1971, có 4 người con và hiện cả 4 đều đã có gia đình riêng. Từ khi ông Hồng mất, bà Minh thay chồng hương khói cho tổ tiên và liệt sĩ Võ Thị Tần.

“Tôi cũng già rồi, không biết sẽ thắp hương cho bà Tần được bao lâu nữa. Tôi dặn con cháu là sau này khi tôi cũng mất, thì các con hãy thay vợ chồng tôi thắp hương, làm giỗ cho bà Tần như từ trước tới giờ vẫn làm”, bà Võ Thị Minh chia sẻ.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

Những năm 1964 - 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, vùng đất này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom.

Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn cũng chỉ 24 tuổi.

Hiện phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Mỗi năm, nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, dâng hương.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.
Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Bằng thủ pháp nghệ thuật điểm xuyết chấm phá, đấng tạo hóa điểm thêm lên miền duyên hải Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những điểm nhấn thẩm mỹ say đắm lòng người...
Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, ngành Du lịch Hà Tĩnh đang triển khai 3 mũi chiến lược là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông thôn và du lịch biển với những chuyển động mới nhiều hứa hẹn.
Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Thị trấn Tiên Điền - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử đang rạng rỡ trong những kết quả của hành trình xây dựng đô thị văn minh, phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Trẩy hội ngày xuân

Trẩy hội ngày xuân

Khi những cánh mai, đào dần phai, mùi trầm hương đã vãn, là lúc tiếng trống mùa lễ hội vang lên trên khắp các vùng quê Hà Tĩnh. Trong sắc xuân mới, các nẻo đường lại rộn rã, náo nức bước chân của người dân tứ xứ về trẩy hội.
“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

Mỗi khi nghe nhạc phẩm “Lá xanh” trong tôi lại rạo rực, bồi hồi. Bài hát là bản tình ca về những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Lễ hội đền Linh Nha (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân.
Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.