Ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu năm mới, mặc dù nhiệt độ giảm sâu, nhiều sương mù và có mưa phùn nhưng chùa Cầm Sơn ở Khu du lịch Thiên Cầm vẫn thu hút người dân địa phương, du khách về tham quan, vãn cảnh và cầu may.
Cùng nhóm bạn đi lễ chùa Cầm Sơn, chị Hà Ngọc Anh (xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân là tôi lại đi lễ chùa Cầm Sơn để cầu may mắn cho cả năm. Về nơi đất chùa, không gian thanh tịnh, màu sắc của đèn hoa, mùi nhang làm cho chúng ta cảm thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng và bình yên hơn nơi nào hết”.
Tọa lạc trên núi đá Thiên Cầm, chùa Cầm Sơn gắn với truyền thuyết về Vua Hùng thứ 13. Truyền thuyết kể rằng, khi qua đây nghe tiếng sóng biển và thông reo, ngỡ tiên đang gảy đàn, nhà vua bèn lệnh cho quần thần cùng leo lên núi, thấy eo biển Thiên Cầm giống chiếc đàn tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ “Thiên Cầm Sơn“. Từ đó núi đá có tên là núi Thiên Cầm, chùa được đặt tên là chùa Cầm Sơn. Hằng năm, khi mùa xuân đến, các Vua Hùng đều lên đây vãn cảnh và thưởng thức những đặc sản biển.
Với thiết kế đường bậc thang chạy vòng theo sườn núi, du khách vãn cảnh chùa Cầm Sơn dễ dàng leo lên đỉnh chùa.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương và sự đóng góp công đức của người dân, chùa Cầm Sơn ngày càng được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Tại chùa Cầm Sơn hiện lưu giữ chuông đồng có trọng lượng gần 1 tấn. Năm 2004, chùa Cầm Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Về vãn cảnh, du xuân tại chùa Cầm Sơn, du khách không chỉ được dâng hương cầu may...
... mà còn được bốc quẻ đầu năm mới. Đây là phong tục đẹp được lưu giữ từ lâu tại chùa Cầm Sơn và phổ biến mỗi dịp tết đến, xuân về.
Sau khi vãn cảnh chùa Cầm Sơn, du khách có thể ghé các nhà hàng dọc bãi biển Thiên Cầm để thưởng thức hải sản.