Nghị quyết 23-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới” khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
CLB Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Tĩnh tác nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh: Đậu Hà
Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh trải qua hơn 50 năm thành lập và phát triển trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và nhân văn. Triển khai các nghị quyết của Đảng về văn hóa, VHNT và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, những năm qua, công tác hội và phong trào VHNT Hà Tĩnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng, phục vụ ngày càng hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, đóng góp xứng đáng vào phong trào VHNT chung của khu vực và cả nước.
Tính đến đầu năm 2022, hội có có 238 hội viên, được phân bổ theo các chuyên ngành: văn xuôi, lý luận phê bình; văn nghệ dân gian; thơ; sân khấu biểu diễn; âm nhạc; nhiếp ảnh; mỹ thuật; kiến trúc. Nhiều năm qua, lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã trở thành nòng cốt trong các phong trào văn hóa, VHNT ở nhiều địa phương, đơn vị.
Hội đã tổ chức nhiều đợt phát động sáng tác cho các hội viên, cộng tác viên để có tác phẩm tham gia các cuộc thi và liên hoan, triển lãm nghệ thuật của Trung ương và khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là đăng cai tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật lần thứ 22, Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ 23 tại Hà Tĩnh.
Tổ chức thành công Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII với nhiều đổi mới; phối hợp với Hội Kiều học tổ chức 2 cuộc thi nhân lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du. Tổ chức thành công cuộc thi bút ký, phóng sự “Hà Tĩnh trên đường phát triển” nhân kỷ niệm 190 năm thành lập và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh. Phát động Cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957- 15/6/2022) và 15 năm thành lập TP Hà Tĩnh (28/5/2007 - 28/5/2022).
Hội thi viết thư pháp Truyện Kiều tháng 1/2022 tại Nghi Xuân.
Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, khích lệ, động viên văn nghệ sĩ thông qua các cuộc thi và các giải thưởng: Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (5 năm 1 lần, đã tổ chức 7 lần); Giải “Viết vẽ tuổi học trò” 2 năm 1 lần… Hội đã chủ động triển khai giải thưởng về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; thường xuyên quan tâm mở trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh.
Ngày 10/12/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4031 phê duyệt Đề án “Phát triển Tạp chí Hồng Lĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030“” với một số điểm mang tính đột phá sau 30 năm tạp chí ra đời và phát triển. Đồng thời nâng cấp trang thông tin điện tử “Văn nghệ Hà Tĩnh” thành tạp chí điện tử.
Từ năm 2015 đến nay, đã có 25 ấn phẩm của tập thể hội và các chi hội, trên 100 đầu sách của hội viên được xuất bản. Các hoạt động như triển lãm, hội thảo, tọa đàm, Ngày thơ Việt Nam được quan tâm tổ chức từ cấp tỉnh đến các chuyên ngành, chi hội cơ sở. Công tác hỗ trợ sáng tạo VHNT được triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
Tuy vậy, hiện nay, hoạt động VHNT Hà Tĩnh vẫn có những khó khăn, hạn chế: đội ngũ văn nghệ sĩ có xu thế già hóa, người trẻ thiếu đam mê, nhiệt huyết vào tổ chức hội; việc đầu tư bằng cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hội và khuyến khích sáng tạo VHNT còn hạn chế. Tác phẩm VHNT chưa có sự bứt phá trong nội dung và phương thức thể hiện, do đó chưa tiếp cận một cách sâu sắc hiện thực quê hương, đất nước và chưa vươn tới những tầm cao về tư tưởng nghệ thuật.
Nguyên nhân chủ quan của những vấn đề trên thuộc về bản lĩnh, tài năng, ý thức trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ. VHNT là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa nhưng nhận thức và hành động của một số cấp ủy, chính quyền còn bất cập, chưa có sự quan tâm đúng mức. Công tác lãnh đạo, quản lý tổ chức hội và hội viên, chất lượng phong trào sáng tác, quảng bá VHNT còn nhiều bất cập.
Tác giả Trần Hải Vân (với tập truyện ngắn “Chuyến tàu mùa thu”) và Nhạc sỹ Ngọc Thịnh (với chùm 5 ca khúc) đạt giải A Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII năm 2020.
Để tiếp tục đưa sự nghiệp VHNT tỉnh nhà phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, mục tiêu nhất quán là phát triển toàn diện các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, phê bình, quảng bá tác phẩm; xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; đoàn kết tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực tham gia đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và của tỉnh.
Cụ thể là phải tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để hội viên tham gia sáng tác VHNT, có các tác phẩm chất lượng tốt phục vụ xây dựng văn hóa và con người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Một số đề tài cần quan tâm định hướng như: xây dựng NTM, đô thị văn minh; thu hút đầu tư; xây dựng con người và văn hóa vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc truyền thống; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức hiệu quả các chương trình sáng tác, các trại sáng tác; phát triển hội viên chuyên ngành lý luận phê bình VHNT, tổ chức mạng lưới cộng tác viên trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa.
Xây dựng chương trình, tham mưu đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ, văn nghệ dân gian. Giới thiệu các giá trị văn hóa, tác phẩm VHNT trong tỉnh với công chúng cả nước.
Các hội viên Hội LH VHNT Hà Tĩnh tham gia trại sáng tác VHNT tại Vũ Quang nhân kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng (tháng 5/2022)
Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn Tạp chí Hồng Lĩnh. Củng cố, kiện toàn, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình công tác đối với các chuyên ngành, chi hội cơ sở. Thành lập mới các chi hội ở các địa bàn như: Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Hương Sơn. Nghiên cứu mô hình thành lập các câu lạc bộ VHNT ở thành phố Hà Tĩnh và một số ngành, đoàn thể có ưu thế như ngành giáo dục, Tỉnh đoàn. Từ đó phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp hội viên hằng năm, đặc biệt chú trọng các tài năng trẻ.
Tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng. Tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ. Tổ chức tốt Giải thưởng VHNT Nguyễn Du; đề xuất UBND tỉnh “Tặng thưởng tác phẩm VHNT xuất sắc hằng năm” như một số tỉnh, thành trong cả nước; xây dựng Quỹ “Tặng thưởng Hồng Lĩnh” để từng bước xã hội hóa công tác thi đua khen thưởng trên lĩnh vực sáng tạo VHNT.
Chủ tịch Hội LH VHNT Hà Tĩnh