Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Hà Tĩnh tổ chức họp tổng kết các nhiệm vụ về phát triển du lịch năm 2023 và giải pháp, phát triển du lịch trong năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Hà Tĩnh chủ trì cuộc họp.
Năm 2023, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành du lịch, dịch vụ Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm, toàn tỉnh đón hơn 3,36 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 34% kế hoạch cả năm 2023). Trong đó, khách lưu trú nội địa đạt 897.651 lượt, khách lưu trú quốc tế là 14.661 lượt.
Toàn tỉnh hiện có 294 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng; trong đó: 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao; có 1.553 nhà hàng ăn uống. Có 40 khu, điểm du lịch, trong đó có 15 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là khu, điểm du lịch cấp tỉnh.
Các dịch vụ vui chơi giải trí và phục vụ du lịch trên địa bàn được đầu tư phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ phụ trợ như: tổ hợp giải trí sân golf, khách sạn đẳng cấp ven biển đầu tiên tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Mường Thanh; trường đua chó, đua ngựa Xuân Thành; Công viên nước Vinpearl waterpark Cửa Sót; khu nhà nghỉ container Xuân Thành; khách sạn Hải Âu Thiên Cầm....
Năm 2023, có 3 dự án du lịch, dịch vụ được bố trí vốn đầu tư công với tổng 84,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 74,6 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 10 tỷ đồng
Có 10 dự án thuộc lĩnh vực du lịch đang có nhà đầu tư quan tâm như: Tập đoàn T&T với Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam xã Xuân Giang (tổng mức đầu tư dự kiến 50.000 tỷ đồng); Công ty Cổ phần GS Holding với dự án Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng, sân golf quốc tế Thịnh Lộc (tổng mức đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Tập đoàn TH với dự án Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại khu vực Hồ Ngàn Trươi; Sungroup với dự án Khu tổ hợp dịch vụ du lịch Bắc Thiên Cầm…
Năm 2024, du lịch Hà Tĩnh đặt mục tiêu thu hút 4 triệu lượt khách khách tham quan, 1,3 triệu lượt khách lưu trú nội địa và 20.000 lượt khách lưu trú quốc tế.
Ngành du lịch Hà Tĩnh đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục phục hồi và phát triển du lịch thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch; bồi dưỡng, tập huấn nhân lực du lịch...
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ về những cách làm, những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch. Đồng thời có những kiến nghị lên Ban Chỉ đạo tìm hướng tháo gỡ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đánh giá cao kết quả tích cực mà ngành du lịch đã đạt được trong năm 2023, đặc biệt là trong hoạt động đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, tuyên truyền quảng bá du lịch.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các thành viên trong Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, phát huy vai trò, trách nhiệm tập trung cao cho các nhiệm vụ, phần việc được giao.
Thực hiện tốt cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực. Có những cách làm sáng tạo, lan tỏa một cách hiệu quả tiềm năng, vẻ đẹp, các giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh. Qua đó xây dựng Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
Trước mắt, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung cao cho hoạt động khai trương du lịch biển; tăng cường công tác quản lý, tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh, lành mạnh; chuẩn bị tốt cho các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm 2024.