Nhiều người dùng Facebook lo bị rò rỉ thông tin cá nhân - Ảnh: XUÂN HƯNG
Bạn đừng vội kết luận một SMS quảng cáo gửi đến số điện thoại của bạn là do nhà mạng di động cung cấp số của bạn cho công ty quảng cáo. Nó hoàn toàn có thể là kết quả từ chính những thông tin, hoạt động của bạn trên mạng xã hội | ||
(Một chuyên gia phân tích dữ liệu) |
Những ngày qua, người dùng mạng xã hội VN xôn xao bởi một bức ảnh photoshop "hướng dẫn kiểm tra" tài khoản Facebook với đề nghị "Hãy bình luận chữ BFF, nếu hiện màu xanh thì Facebook của bạn đã được bảo vệ, nếu chữ màu đen Facebook của bạn đã bị ai đó theo dõi hoặc bị ai đó hack, hãy đổi ngay pass (mật khẩu)".
Nhiều người đã thử làm theo và tỏ ra vui mừng khi thấy "tài khoản mình đã an toàn".
Vô tư, chủ quan
Thật ra đó chỉ là một trò vui. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia an ninh mạng cho rằng: "Rất nhiều người Việt hiện nay dùng Facebook một cách ngây ngô đến khó hiểu. Có những cách thức bảo mật thông tin, tài khoản mà nhiều người biết nhưng không làm hoặc lười làm.
Thay vào đó, họ lại đi tin vào kiểu kiểm tra bằng một trò đùa, để rồi bỏ ngỏ sự an toàn của thông tin cá nhân, của tài khoản Facebook của mình".
Không những vậy, thực tế những vụ việc tiêu cực xảy ra trên mạng xã hội VN vài năm trở lại đây cũng cho thấy nhiều điểm chủ quan của người dùng Việt.
Ông Vũ Lâm Bằng - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Công ty an ninh mạng CMC Infosec - cho biết điểm yếu cố hữu nhất vẫn là "đặt mật khẩu dễ đoán (kiểu như 12345678) hoặc ngày sinh, hay đặt cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản email, mạng xã hội".
Thứ hai là nhiều người dùng hay "tò mò bấm vào các đường dẫn giả mạo không rõ nguồn gốc từ người lạ để rồi bị lừa mất tài khoản hoặc nhiễm mã độc".
Sự chủ quan của người dùng Việt còn được chuyên gia Nguyễn Minh Đức, giám đốc Công ty an ninh mạng CyRadar, bổ sung:
"Thực tế hầu hết những vụ việc bị lộ thông tin cá nhân và dữ liệu riêng tư trên mạng xã hội là do chính người sử dụng tự chia sẻ quá nhiều thông tin của họ một cách công khai (ai cũng xem được). Những kẻ xấu luôn rình rập tìm cách lợi dụng tính chia sẻ của mạng xã hội để trục lợi".
Không chỉ Facebook, rất nhiều công ty công nghệ khác như Google, Amazon, Uber, Wikipedia… cũng đang sở hữu lượng dữ liệu thông tin người dùng cực lớn.
Lượng dữ liệu này có thể trở thành "miếng mồi ngon" cho các công ty dễ dàng kiểm soát cuộc sống riêng tư của người dùng hoặc có thể bị sử dụng vào những hoạt động kinh doanh, thậm chí cả những mục đích chính trị… mà người dùng không dễ gì nhận biết được.
Người dùng Facebook cẩn thận với thông tin cá nhân - Ảnh: XUÂN HƯNG
4 nguy cơ lộ dữ liệu
Các chuyên gia an ninh mạng đưa ra nhận diện tổng hợp về những nguy cơ làm mất tài khoản, lộ dữ liệu riêng tư của người dùng Việt khi tham gia Facebook.
Nguy cơ thứ nhất, những thông tin riêng tư được người dùng đưa lên mạng xã hội, như số điện thoại, CMND, hộ chiếu, địa chỉ nhà, hình ảnh, video cá nhân… Tất cả đều có thể bị kẻ xấu khai thác để chiếm đoạt tài khoản Facebook không được bảo vệ cẩn thận.
Nguy cơ thứ hai đến từ các ứng dụng di động và ứng dụng tích hợp trên Facebook. Ứng dụng di động như lịch vạn niên, đèn pin…
"Đây thực chất là những cảnh báo giả mạo, làm theo thì điện thoại sẽ nhiễm virút. Virút sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và ăn cắp mật khẩu tài khoản Facebook của người dùng" - Công ty Bkav phân tích.
Ứng dụng tích hợp như: Kiếp trước bạn là ai? Bạn giống ngôi sao nào?... sẽ thu thập các thông tin của người chơi, sau đó bán cho các công ty quảng cáo phân tích để xác định thể loại quảng cáo phù hợp với đối tượng.
Nguy cơ thứ ba là những trò lừa đảo kiểu tin nhắn thông báo người dùng trúng thưởng một phần quà giá trị và yêu cầu vào trang web nhập thông tin tài khoản Facebook và tài khoản ngân hàng.
Người dùng làm theo sẽ bị cướp tài khoản, biến danh sách bạn bè của họ trên Facebook thành "mồi ngon" tiếp theo cho kẻ lừa đảo.
Nguy cơ thứ tư vốn là một hiểm họa đang ngày càng lớn với người dùng Internet Việt Nam: mã độc lây lan qua mạng.
Ngày 21-12-2017, ứng dụng Messenger của Facebook lan truyền một loại mã độc dưới dạng tập tin video với mục đích chiếm quyền điều khiển, biến thiết bị bị nhiễm thành công cụ đào tiền ảo.
Cùng với sự phát triển của tiền ảo, mã độc đào tiền ảo với chức năng mở rộng gồm đánh cắp tài khoản, thu thập dữ liệu.
Bà Sylvia Ng, giám đốc điều hành Công ty bảo mật Kaspersky Lab Đông Nam Á, cho biết: "Với sự gia tăng giá trị tiền ảo, chúng tôi tin rằng các mẫu phần mềm độc hại sẽ tăng dần theo từng ngày và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi tìm thấy một trojan được phân phối thông qua các tin nhắn".
Đồ họa: N.KH.