Gần 100 kỷ lục nhiệt độ trong mùa hè 2023

Từ đợt nắng nóng đầu tiên vào tháng 3, đến nay cả nước ghi nhận 97 kỷ lục nhiệt độ, cao nhất lịch sử là ở Tương Dương (Nghệ An) với 44,2 độ C.

Nắng nóng gây ra hiện tượng phản xạ toàn phần khiến người đi trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) nhìn thấy ảo ảnh của vật thể giống như vũng nước, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Mùa hè 2023 ở miền Bắc và Trung bắt đầu sớm bằng đợt nắng nóng gay gắt kéo dài ba ngày (22-24/3) với 18 kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ. Nền nhiệt trung bình tháng 3 tại Bắc, Trung và Trung Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ, riêng Đông Bắc Bộ cao hơn 1-1,5 độ C.

Nhiệt độ cao nhất trong tháng được ghi nhận ở Kim Bôi (Hòa Bình) ngày 22/3 với 41,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1996 là 3,3 độ C. Cùng ngày, Cao Bằng nóng 36,7 độ C, vượt qua kỷ lục gần 60 năm trước.

Tháng 4 có bốn đợt nắng nóng diện rộng, trong đó tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ kéo dài 8 ngày, nhiệt độ phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Tháng này có 12 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận.

Tâm điểm nắng nóng là ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu với các kỷ lục chủ yếu xác lập vào ngày 18-19/4. Nóng nhất là ở Mường La (Sơn La) 42,8 độ C, vượt kỷ lục cách đây bốn năm gần 1 độ. Ngoài ra, Sơn La cũng có bốn điểm đo khác có nhiệt độ vượt mốc lịch sử.

Tháng 5 nóng nhất mùa hè 2023 với 5 đợt gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng. Riêng Bắc và Trung Bộ trải qua 16 ngày trên 35 độ, chủ yếu 38-40 độ C.

44 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng này, riêng Bắc Bộ có 22 tập trung ở Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Nội và Ninh Bình. Ngày 6/5, Lạc Sơn (Hòa Bình) nóng 43,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1966 khoảng 1,4 độ C. Ngày 17/5, trạm Hà Đông (Hà Nội) ghi nhận 41,3 độ C, cao hơn kỷ lục ba năm trước gần nửa độ.

Các kỷ lục ở miền Trung được ghi nhận từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Trong đó, ngày 7/5 Tương Dương (Nghệ An) nóng 44,2 độ C, cao nhất lịch sử quan trắc ở Việt Nam, vượt qua kỷ lục cũ bốn năm trước tại Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C.

Tháng 6 , nhiệt độ giảm, các đợt nắng nóng bị chia nhỏ do có năm đợt mưa lớn diện rộng. Cả tháng có bốn đợt nắng nóng, trong đó đợt dài nhất ở Bắc Bộ 5 ngày, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên là 13 ngày.

Có 21 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng 6, tất cả ở Bắc Bộ, tập trung ở Sơn La với 7 kỷ lục. Ngày 1/6, Mường La (Sơn La) nóng 43,8 độ, vượt kỷ lục cách đây hai năm 3 độ. Cùng ngày, điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển là Sa Pa (Lào Cai) lên 29,4 độ, cao hơn kỷ lục cách đây 45 năm 1,5 độ C.

Mặc dù chưa hết tháng 7, miền Bắc và Trung gồm các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên ghi nhận khoảng 20 ngày nắng nóng. Nhiệt độ trung bình ở miền Bắc, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn trung bình nhiều năm 1-1,5 độ C.

Trong 20 ngày đầu tháng đã có 12 kỷ lục được ghi nhận ở Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Nghệ An. Trong đó, Hà Giang ngày 17/7 nóng 39,5 độ, phá kỷ lục được xác lập cách đây gần 60 năm (38,6 độ C).

Bà Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhận định mùa hè 2023 có nhiều kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận, trong đó tháng 5 nắng nóng đỉnh điểm do tác động của việc nóng lên toàn cầu chứ chưa phải là tác động của El Nino.

Theo các trung tâm dự báo lớn quốc tế, El Nino bắt đầu từ tháng 6, đạt cường độ mạnh nhất từ cuối năm 2023 (khoảng tháng 10) đến đầu năm 2024 (tháng 2/2024). Tại Việt Nam, El Nino tác động mạnh nhất tới Tây Nguyên và Nam Bộ.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói