Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn: Hành vi cần lên án

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông mà người gây ra vụ việc bỏ mặc nạn nhân, rời khỏi hiện trường.

18 ngày sau khi gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn khiến 3 người chết trên quốc lộ 1 ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, đối tượng Bùi Ngọc Hải mới ra đầu thú cơ quan công an.

Cách đây ít ngày, Bùi Ngọc Hải (SN 1985, trú xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) - tài xế điều khiển xe tải mang biển số 29H - 889.60 gây ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn khiến 3 người tử vong xảy ra trên quốc lộ 1 ở xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào sáng 8/6, đã tới Công an huyện Cẩm Xuyên đầu thú.

Sau khi xảy ra vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tài xế này đã rời khỏi hiện trường. Những tưởng việc rời khỏi hiện trường của Bùi Ngọc Hải chỉ là tức thời do hoảng sợ và sẽ tới cơ quan công an trình diện khi tâm lý ổn định. Tuy nhiên, những ngày sau đó, Bùi Ngọc Hải vẫn “bặt vô âm tín”.

Để nhanh chóng bắt giữ Bùi Ngọc Hải, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Xuyên đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Bùi Ngọc Hải. Biết không thể thoát tội, sau 18 ngày lẩn trốn, Bùi Ngọc Hải đã tới công an đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.

Được biết, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra một số vụ TNGT mà người gây ra vụ việc bỏ mặc nạn nhân, rời khỏi hiện trường.

Đơn cử như lúc 18h35’ ngày 15/5, người dân địa phương phát hiện anh N.Đ.D (SN 1972, trú thôn 10, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) đã tử vong trên quốc lộ 15 đoạn qua thôn 10, xã Phúc Trạch, huyện hương Khê.

Tài xế Nguyễn Xuân Hải bị Công an huyện Hương Khê bắt giữ do gây ra tai nạn chết người.

Truy xét nhanh, Công an huyện Hương Khê đã bắt giữ Nguyễn Xuân Hải (SN 1976, trú thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) điều khiển xe ô tô biển số 38A – 299.62, là người gây ra vụ TNGT.

Sau khi xảy ra va chạm với anh N.Đ.D., Hải đã bỏ mặc nạn nhân, điều khiển xe ô tô di chuyển đến xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Kiểm tra nồng độ cồn với Hải, công an xác định có 0,672 miligam/lít khí thở.

Video: Tài xế Nguyễn Công Hùng điều khiển ô tô biển số 38A–544.60 rời khỏi hiện trường sau khi va chạm với xe mô tô.

Hay như vụ việc lúc 15h40’ ngày 12/5, tài xế Nguyễn Công Hùng (SN 1981, trú tại TDP 10, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) điều khiển ô tô biển số 38A–544.60 di chuyển qua ngã tư giao đường Nguyễn Ái Quốc và đường Ngô Đức Kế ở phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) đã xảy ra va chạm khiến xe mô tô do chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1985, trú phường Bắc Hồng) cầm lái bị ngã xuống đường, đúng lúc xe tải đi cùng chiều vượt lên. May mắn xe tải kịp phanh lại nên chị Hiền chỉ bị thương nhẹ. Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Công Hùng đã lái xe rời khỏi hiện trường.

Với hành vi gây ra, ông Nguyễn Công Hùng bị Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX trong thời gian 12 tháng.

Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 233 vụ TNGT, làm chết 111 người, bị thương 160 người. Số liệu trên cho thấy tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng ở cả 3 tiêu chí – số vụ, số người chết và số người bị thương.

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện gây tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Việc hỗ trợ, đưa nạn nhân bị TNGT đi cấp cứu có thể cứu sống tính mạng của người bị nạn.

Có nhiều lý do được đưa ra khi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, bỏ trốn như: sợ hãi khi nhìn thấy hậu quả do mình gây ra; sợ bị người thân của nạn nhân đánh; sợ bị truy cứu trách nhiệm, nhất là khi tài xế sử dụng bia rượu, không có giấy phép lái xe hoặc nghĩ tai nạn xảy ra lúc ban đêm, khu vực xảy ra tai nạn không có camera, không có nhân chứng...

Tuy nhiên, dù lý do gì, việc gây ra tai nạn mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu nạn nhân là hành vi bị lên án và phải xử lý thật nghiêm, bởi hơn ai hết, họ là người trực tiếp có mặt tại hiện trường và có thể là người đầu tiên hỗ trợ cho nạn nhân.

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn và nếu chẳng may xảy ra sự việc, tài xế cần bình tĩnh để xử lý sự việc, đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Ông Nguyễn Văn Tân - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho hay: TNGT là điều không ai mong muốn nhưng khi không may xảy ra sự việc, người dân cần bình tĩnh để đối diện và có cách xử lý phù hợp. Việc gây tai nạn rồi bỏ trốn là “sai càng thêm sai”.

Theo ông Tân, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc tài xế bỏ trốn sau khi gây ra TNGT nhưng cuối cùng cũng bị cơ quan công an điều tra, bắt giữ, xử lý theo quy định. Gây tai rồi bỏ trốn là tình tiết tăng nặng trong hồ sơ xử lý vụ việc.

Để ngăn chặn tình trạng gây TNGT rồi bỏ trốn, không cấp cứu nạn nhân, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, các đơn vị chức năng nên nghiên cứu việc tăng chế tài xử lý cho hành vi này; ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao đạo đức cho người lái xe và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn.

Video: Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1 ở xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên) khiến 3 người tử vong.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông như sau:

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng.

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng.

Bên cạnh đó, đối với máy kéo xe máy chuyên dùng vi phạm hành vi tương tự sẽ bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 5 - 7 tháng; đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) và xe thô sơ khác cũng sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm.

Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.

Chủ đề An toàn giao thông

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói