Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).
Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh ĐTĐ chiếm tỷ lệ tử vong đứng thứ 3. Đáng chú ý là hiện chỉ có trên 30% số bệnh nhân ĐTĐ trong độ tuổi từ 18-69 được chẩn đoán, còn đến gần 70% người bệnh chưa được chẩn đoán.
Nhân viên y tế dự phòng huyện Can Lộc test nhanh kiểm tra đường huyết phát hiện sớm tiểu đường cho phụ nữ vùng nông thôn
Tại Hà Tĩnh, mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng từ các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh cho thấy, số người bị ĐTĐ đến khám và điều trị ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều người bị biến chứng của bệnh ĐTĐ. Riêng tại Khoa Nội tiết BVĐK tỉnh có trên 90% người mắc ĐTĐ vào điều trị nội trú tại khoa đã bị biến chứng, trong đó có nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng.
Thời gian qua, Trung tâm YTDP tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) đã triển khai khám sàng lọc ĐTĐ và tăng huyết áp cho gần 5.000 đối tượng có nguy cơ cao tại 14 xã thuộc 13 huyện, thị, thành phố. Qua đó, đã phát hiện trên 400 người mắc ĐTĐ (chiếm tỷ lệ 9,5%) và trên 700 người mắc tiền ĐTĐ (chiếm 15,7%). Điều đáng nói là trong số bệnh nhân bị ĐTĐ và tiền ĐTĐ thì có đến trên 70% bệnh nhân lần đầu mới phát hiện.
Người dân cần đi khám sức khỏe thường xuyên và nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ. Có tới hơn 70% số ca bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng tránh được nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn.
Khi thấy người thân trong gia đình có sự thay đổi về sức khỏe, nên đưa đi thăm khám kịp thời, đặc biệt với những gia đình có người thừa cân, béo phì. Hãy cùng nhau hành động khi chưa quá muộn để hạn chế loại bệnh đang có tốc độ phát triển rất nhanh này.