Nhân viên y tế Trung tâm YTDP huyện Can Lộc test nhanh kiểm tra đường huyết, phát hiện sớm bệnh tiểu đường cho người dân vùng nông thôn
Tại khoa Nội tiết BVĐK tỉnh, trên 90% bệnh nhân mắc đái tháo đường vào điều trị nội trú tại khoa đã bị biến chứng, trong đó có nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị L. (71 tuổi), ở phường Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) vào Khoa Nội tiết trong tình trạng mệt mỏi, khát nước và tiểu nhiều. Kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân trước khi tiếp nhận vào điều trị nội trú, kết quả điện tim và xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa Tim mạch và lão học để điều trị.
Bác sỹ chuyên khoa Nội tiết BVĐK tỉnh chăm sóc bệnh nhân bị biến chứng do tiểu đường
Bác sỹ Thái Thọ - Phó Khoa Nội tiết BVĐK tỉnh cho biết: Với người bình thường, nếu bị nhồi máu cơ tim rất dễ nhận biết vì người bệnh thường phải ôm ngực bởi những cơn đau rất kinh khủng. Nhưng với người mắc bệnh đái tháo đường do biến chứng bệnh làm tê dây thần kinh nên họ không còn cảm giác đau.
Cũng do biến chứng làm mất cảm giác nên tại khoa Nội tiết BVĐK tỉnh thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn chi. Nguyên nhân phần nhiều do các bệnh nhân bị biến chứng thần kinh khiến bàn chân có cảm giác dị cảm như có kiến bò. Vì vậy, bệnh nhân thường hơ nóng bàn chân hoặc nhâm chân trong nước nóng cho dễ chịu.
Tuy nhiên, với nhóm người này, do mất cảm giác nên nhiều khi rất nóng nhưng họ vẫn không biết nên gây ra các vùng loét. Hoặc có những bệnh nhân, do mất cảm giác bàn chân nên chỉ một hòn sỏi nhỏ nằm trong dép cứ giẫm đi giẫm lại nhiều lần gây loét. Do nhiễm trùng khó điều trị nên nhiều bệnh nhân đã phải cắt bỏ cả bàn chân.
Nhiều bệnh nhân do nhiễm trùng bàn chân dẫn đến hoại tử
Bệnh nhân Võ Thị Thanh (78 tuổi), ở phường Bắc Hồng thị xã Hồng Lĩnh là một trong rất nhiều trường hợp bị biến chứng như thế. Bà vào viện trọng tình trạng loét bàn chân trái, đường huyết 24 (người bình thường chỉ 4-6). Bệnh nhân điều trị nội trú 2 tuần tại bệnh viện nhưng do vết loét quá sâu gây tổn thương đến cả gân và mất da quá nhiều nên buộc bệnh viện phải chuyển bà lên tuyến trên để điều trị để giữ lại bàn chân.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường (Ảnh: Pinterest)
Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch… Tuy nhiên, có tới hơn 70% số ca bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng tránh được nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần đi khám sức khỏe thường xuyên và nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh.
Ngoài ra, những người béo phì, người bị tăng huyết áp, rối loạn lipit mỡ máu, những người trong thời kỳ mang thai có đường trong máu và nước tiểu tăng cao là những người cần được sàng lọc để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Nếu phát hiện, ngăn chặn từ lúc rối loạn chuyển hóa gluco trong máu thì sẽ sớm ngăn chặn được bệnh đái tháo đường.
Theo ước tính, số người trưởng thành tử vong toàn cầu liên quan tới đái tháo đường là khoảng 5 triệu người, trong khi con số tử vong do HIV/AIDS chỉ 1,1 triệu người. Có thể thấy, đái tháo đường được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20 - 40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh tật khác, làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người bệnh