Giá gas tăng: Chủ quán ăn, người tiêu dùng Hà Tĩnh nói gì?

(Baohatinh.vn) - Giá gas vừa tăng lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đã khiến nhiều nhà hàng, quán ăn và không ít người tiêu dùng Hà Tĩnh thêm nặng gánh chi tiêu, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Trước tình hình dịch COVID-19 tại Hà Tĩnh vẫn phức tạp, việc giá gas tăng liên tiếp khiến các hộ sản xuất kinh doanh và người dân càng gặp nhiều khó khăn.

Tháng 2/2022, gas tăng giá 16.000 đồng/bình 12 kg. Ngày 1/3/2022, giá gas bán lẻ trong nước lại tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12 kg.

Cụ thể, giá bán gas của Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn và Công ty TotalEnergies LPG Vietnam tăng với mức 42.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán gas Saigon Petro cũng tăng 42.000 đồng/bình, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 502.000 đồng/bình 12 kg.

Theo đó, tại Hà Tĩnh, hiện giá gas đã vượt 500.000 đồng/bình 12 kg, cao nhất từ trước đến nay. Việc giá gas tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Việc giá gas và giá nguyên liệu nấu ăn tăng đã khiến chị Trần Thị Thanh (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) phải thắt chặt chi tiêu hơn.

Chị Trần Thị Thanh - chủ cửa hàng cơm, bún, phở Thanh Trung (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: Việc giá gas tăng, ở ngưỡng hơn 500.000 đồng/bình 12 kg và giá nguyên liệu nấu ăn tăng đã khiến chị phải thắt chặt chi tiêu hơn.

“Giá gas tăng nhanh khiến tôi lo lắng vì ngoài gas tăng thì chi phí nguyên liệu, mặt bằng cũng tăng. Sau 2 lần tăng giá từ đầu năm, tôi phải chi thêm hơn 1,3 triệu đồng mỗi tháng cho tiền gas, trong khi giá bán đồ ăn lại không thể tăng vì còn yếu tố cạnh tranh” - chị Thanh cho biết thêm.

Anh Trịnh Văn Bằng - chủ nhà hàng Thế giới Beer (đường 26 tháng 3, TP Hà Tĩnh) cũng than thở: “Bình quân mỗi tháng, quán của tôi dùng hết 3 bình gas công nghiệp loại 48 kg và 3-4 bình gas loại 12 kg. Với giá gas tăng như hiện nay thì chi phí mỗi tháng cho việc thay bình gas cũng phải tăng thêm hơn 700.000 đồng".

Giá gas tăng nhanh đã khiến cho việc chi tiêu của nhà hàng Thế giới Beer (đường 26 tháng 3, TP Hà Tĩnh) “đội” thêm chi phí.

“Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Tĩnh diễn biến phức tạp nên doanh thu không ổn định. Bây giờ, xăng, dầu, gas “đua” nhau tăng, đẩy chi phí đầu vào khá cao trong khi vẫn phải bán giá ổn định để giữ chân khách hàng nên hoạt động kinh doanh của chúng tôi khó lại thêm khó” - anh Bằng chia sẻ.

Chị Lương Cẩm Trang (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đang tính đến phương án sử dụng bếp điện hoặc bếp từ để tiền điện “san sẻ” bớt tiền gas”.

Giá gas tăng cũng khiến người tiêu dùng thêm nặng gánh chi tiêu. Chị Lương Cẩm Trang (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cứ 2 tháng, gia đình 6 người lại dùng hết 1 bình gas loại 12 kg. Tuy nhiên, vào những ngày giá rét vừa qua, nhu cầu đun nấu, sử dụng gas tăng cao hơn nên chỉ 1 tháng, gia đình đã sử dụng hết 1 bình gas. Tính ra chi phí sử dụng gas của gia đình rơi vào khoảng 15 - 20 nghìn đồng/ngày, khá cao so với các khoản chi phí khác. Với đà tăng giá hiện nay của giá gas, tôi đang tính đến phương án sử dụng bếp điện hoặc bếp từ để giảm chi phí”.

Cũng loay hoay với chi phí sinh hoạt, chị Lê Thị Nhân (đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Thu nhập từ việc bán hàng quần áo của tôi có phần giảm sút từ sau tết Nguyên đán, trong khi đó giá các mặt hàng thực phẩm, giá xăng, giá gas đều tăng khiến tôi phải cắt bớt những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tìm cách chi tiêu dè dặt để tiết kiệm chi phí".

Giá xăng, giá gas, thực phẩm đều tăng khiến chị Lê Thị Nhân (đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh) phải tìm cách chi tiêu tiết kiệm hơn.

Anh Nguyễn Hùng Thi - nhân viên Trung tâm kinh doanh tổng hợp thuộc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh cho biết: “Gần đây, khi giá gas tăng cao trở lại, một bộ phận người dân có thu nhập thấp, không ổn định đang dần chuyển qua cách đun nấu bằng than tổ ong hoặc củi để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Cùng đó, lượng khách hàng chuyển đổi từ bếp gas sang bếp từ, bếp điện ngày càng nhiều hơn nên số lượng người tiêu dùng mua gas có xu hướng giảm”.

Số lượng người tiêu dùng Hà Tĩnh mua gas có xu hướng giảm. (Trong ảnh: Anh Nguyễn Hùng Thi – nhân viên Trung tâm kinh doanh tổng hợp thuộc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh đang chuẩn bị giao gas cho khách hàng).

Lý giải về việc giá gas tăng 2 lần liên tiếp, các đơn vị kinh doanh gas trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho biết, vì giá gas trên thị trường thế giới tăng cao, bình quân tháng 3 đạt 907,5 USD/tấn, tăng 132,5 USD/tấn so với tháng 2 nên các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ...

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói