Giá nhiên liệu đồng loạt tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh chịu thiệt

(Baohatinh.vn) - Giá xăng, dầu, gas liên tục tăng thời gian qua đã tác động xấu tới hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Hà Tĩnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tính riêng trong tháng 6/2021, giá gas tăng 14.000 đồng/bình loại 12 kg. Từ 1/7, giá gas tiếp tục tăng thêm 30.000 đồng/bình. Việc gas tăng giá liên tục đã tác động xấu tới hoạt động chi tiêu của người dân, nhất là những cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống.

Ông Nguyễn Đức Hữu - Chủ quán Gánh bún bò Huế (ngõ 7, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Ngày 4/6, Hà Tĩnh xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 4. Để phòng dịch, cơ sở đã tạm ngừng hoạt động và mới mở cửa trở lại trong mấy ngày gần đây. Giá gas tăng cao trong khi giá sản phẩm không tăng đã ảnh hưởng đến nguồn thu và kế hoạch kinh doanh của quán. Nếu như thời điểm đầu năm, bình quân mỗi tháng chúng tôi tiêu tốn 3 triệu đồng tiền gas thì nay phải lên tới 4 triệu đồng mỗi tháng”.

Giá nhiên liệu đồng loạt tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh chịu thiệt

Nếu thời điểm đầu năm 2021, bình quân mỗi tháng quán Gánh bún bò Huế (TP Hà Tĩnh) tiêu tốn 3 triệu đồng tiền gas thì nay phải lên tới 4 triệu đồng.

Theo ghi nhận, giá gas tăng trong bối cảnh dịch bệnh, không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt mà các đại lý cung cấp cũng bị ảnh hưởng.

Anh Nguyễn Thanh Sơn - Nhân viên cửa hàng gas Phú Sơn (đường Phan Đình Phùng – TP Hà Tĩnh) cho biết: "Do giá khí đốt tự nhiên trên toàn cầu tăng buộc các công ty sản xuất gas phải tăng giá bán. Chúng tôi chủ yếu bán gas SaiGon Petro với giá 340.000 đồng/bình loại 12 kg (tăng 44.000 đồng/bình so với thời điểm tháng 5/2021). Giá gas tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn giảm hoặc ngưng hoạt động, kéo theo lượng khách mua gas cũng giảm theo. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu cung cấp gas cho các hộ gia đình”.

Giá nhiên liệu đồng loạt tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh chịu thiệt

Từ 1/7/2021, giá gas tiếp tục tăng thêm 30.000 đồng/bình loại 12kg.

Thời gian qua, không chỉ giá gas tăng mà giá xăng, dầu cũng liên tục “leo thang” khiến cho người dân lẫn doanh nghiệp thêm gặp khó.

Tại kỳ điều hành ngày 26/6/2021, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán xăng dầu.

Cụ thể, xăng E5RON92 không cao hơn 19.760 đồng/lít (tăng 712 đồng/lít), xăng RON95-III không cao hơn 20.916 đồng/lít (tăng 752 đồng/lít), dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.119 đồng/lít (tăng 671 đồng/lít), dầu hỏa không cao hơn 15.051 đồng/lít (tăng 639 đồng/lít), dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.449 đồng/kg (tăng 495 đồng/kg).

Đây là đợt tăng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước thứ hai liên tiếp từ đầu tháng 6 đến nay. Sau 2 đợt tăng giá, tổng cộng mỗi lít xăng RON 95 tăng thêm 1.380 đồng, E5 RON92 tăng thêm 1.340 đồng, các mặt hàng dầu cũng tăng thêm 1.170 - 1.340 đồng một lít, kg tuỳ loại. Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã đạt mức giá cao nhất kể từ 30/1/2020.

Giá nhiên liệu đồng loạt tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh chịu thiệt

Xăng, dầu liên tục tăng giá khiến cho nguồn thu của ngư dân Hà Tĩnh bị sụt giảm.

Thời điểm này, việc ra khơi của ngư dân Lê Văn Sơn (thôn Hội Thủy - xã Xuân Hội - Nghi Xuân) gặp nhiều khó khăn.

Chị Đặng Thị Chung (vợ anh Sơn) ái ngại: “Thời tiết nắng nóng gay gắt, sản lượng thủy hải sản giảm cộng với việc xăng, dầu tăng giá mạnh đã khiến nguồn thu của gia đình sụt giảm. Với tàu vỏ thép công suất trên 800 CV, mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi khoảng 10 ngày. Nếu như một năm trước, chí phí tiền dầu cho mỗi chuyến ra khơi tầm 35 - 40 triệu đồng thì nay đội lên 45 - 50 triệu đồng. Hiện tại, gia đình còn nợ ngân hàng nên rất lo lắng nếu xăng, dầu tiếp tục tăng giá”.

Công ty CP Tân Thịnh (TP Hà Tĩnh) là một trong 3 doanh nghiệp trúng gói thầu chỉnh trang vỉa hè thị trấn Cẩm Xuyên. Hiện nay, công ty đang huy động 3 xe tải, 2 máy xúc và 2 máy lu để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, đơn vị đang đối mặt với một khó khăn là giá xăng, dầu tăng cao nhất trong vòng 17 tháng qua.

Giá nhiên liệu đồng loạt tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh chịu thiệt

Máy móc của Công ty CP Tân Thịnh (TP Hà Tĩnh) hoạt động liên tục, tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Anh Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty CP Tân Thịnh cho biết: “100% máy móc tại công trường hoạt động liên tục, tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Việc xăng, dầu tăng giá mạnh đã khiến doanh nghiệp phát sinh thêm hàng chục triệu đồng/tháng. Nếu như thời gian tới, xăng, dầu không “hạ nhiệt” thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn”.

Dịp này, dịch vụ vận tải cũng ảnh hưởng trực tiếp khi giá xăng, dầu tăng. Trong thời điểm dịch bệnh, lượng khách giảm sút thì việc phát sinh chi phí nhiên liệu khiến nhân viên lái taxi thêm “đau đầu”.

Anh Trương Quốc Đông – Nhân viên lái taxi Lam Hồng cho biết: “Tôi đầu tư xe riêng và mua phí thương quyền hằng tháng của doanh nghiệp nên càng áp lực. Hiện lượng khách sử dụng dịch vụ giảm khoảng 80%, trong khi giá xăng tăng nhưng giá dịch vụ không tăng, hầu như chúng tôi phải bù lỗ. Hoạt động thời điểm này, lái xe để giữ những mối khách quen là chính”.

Giá nhiên liệu đồng loạt tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh chịu thiệt

Các ngành chức năng cần rà soát, nghiên cứu để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp về giá nhiên liệu.

Tại Hà Tĩnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho việc làm và thu nhập của người dân bị sụt giảm. Việc giá xăng, dầu, gas đồng loạt “leo thang” như hiện nay thực sự là một áp lực lớn tới cuộc sống nhiều gia đình.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.