Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và tuyên truyền lịch sử Đảng bộ các địa phương được Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo
Hương Khê là địa phương sớm triển khai Chỉ thị 15-CT/TW (28/8/2002) của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và triển khai kịp thời chỉ Chỉ thị 20-CT/TW (ngày 18/1/2018) của Ban Bí thư về tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Thường trực Huyện ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện.
“Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã triển khai các văn bản hướng dẫn để cơ sở có cách thức, lộ trình thực hiện, đồng thời cử cán bộ về cơ sở cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, biên soạn” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Khê - Trần Quốc Bảo cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, xã Phú Gia đã tranh thủ được nguồn tư liệu qúy từ những nhân chứng (Trong ảnh: Lãnh đạo xã, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy khảo sát tư liệu ở đền Trầm Lâm)
Quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị ở Hương Khê đã cố gắng vượt lên những khó khăn về nguồn lực ở địa bàn miền núi, kiên trì nghiên cứu, tìm tòi các tư liệu để biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ quê hương.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Gia Lê Công Anh cho biết: Trên cơ sở tranh thủ nghiên cứu, sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt từ những nhân chứng còn sống, Phú Gia đã sớm hoàn thành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã thời kỳ 1930 – 2015. Hiện nay, xã đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những kết quả giai đoạn 2015 trở về sau để đến năm 2020 sẽ có ấn phẩm mới. Trong đó, sẽ làm đậm nét kết quả phấn đấu xây dựng NTM của Đảng bộ và nhân dân xã nhà.
Ông Phan Văn Quý - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Khê góp ý vào các công trình nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng bộ với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Một trong những bài học kinh nghiệm quý trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ ở Hương Khê, theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Quốc Bảo, đó là những người làm lịch sử đã tranh thủ được tâm huyết, trí tuệ của các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, giáo viên dạy môn Lịch sử ở các trường học và con em Hương Khê thành đạt ở mọi miền Tổ quốc, đặc biệt trên lĩnh vực hoạt động lịch sử Đảng. Tổ tư vấn, Hội đồng thẩm định lịch sử đảng bộ của các xã, thị trấn và lịch sử các ngành đã hoạt động rất khoa học và hiệu quả với sự tham gia của những người có chuyên môn và trách nhiệm.
Ông Phan Văn Quý - cựu giáo chức, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: "Là thành viên Hội đồng thẩm định lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn, các ngành nhiều năm nay, tôi đã cố gắng đóng góp công sức, trí tuệ của mình trong từng ấn phẩm. Điều đáng mừng là cấp ủy, chính quyền huyện đã dành sự quan tâm thỏa đáng đối với nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng. Về phía những người làm công tác thẩm định, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để các ấn phẩm lịch sử đảng bộ ra đời đảm bảo có chiều sâu, chất lượng và làm rõ hơn, sâu sắc hơn truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa của huyện Hương Khê.
Hương Khê phấn đấu, đến cuối năm 2019 có 100% xã, thị trấn xuất bản được sách lịch sử đảng bộ
Không chỉ nghiêm túc, dày công trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn, các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương được xuất bản đều được tổ chức công bố, ra mắt bài bản, trang trọng, đồng thời được tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, con em quê hương đang sinh sống và học tập trên mọi miền đất nước. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.