Động lực mới nâng cao chất lượng giáo dục Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Năm 2018 khép lại bằng dấu ấn quan trọng đối với ngành giáo dục khi Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo được ban hành. Đây được xem là động lực quan trọng, tạo “luồng gió” đổi mới giáo dục trên vùng đất học Hà Tĩnh.

Giảm đầu mối, không xáo trộn việc dạy học

Nhà giáo ưu tú Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 khóa XI của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, Nghị quyết 96 đã ra đời. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện việc sắp xếp hệ thống trường lớp, xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất”.

Động lực mới nâng cao chất lượng giáo dục Hà Tĩnh

Trường Tiểu học Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) đầu tư xây dựng thư viện xanh, giúp học sinh phát triển văn hóa đọc.

Nghị quyết 96 đã làm thay đổi bức tranh giáo dục Hà Tĩnh, tạo động lực mới cho các địa phương, nhà trường ngay từ những ngày đầu năm học. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 4 huyện: Can Lộc, Kỳ Anh, Thạch Hà và Hương Khê khởi động thực hiện và đã sáp nhập 14 trường thành 7 trường. Mỗi địa phương chủ động lựa chọn hình thức sáp nhập phù hợp với mục tiêu chung, đó là tinh gọn đội ngũ, nâng cao chất lượng và nhận được sự đồng thuận của lòng dân.

Cô Nguyễn Thị Quế Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh (Can Lộc) cho biết: “Đến nay, qua gần học kỳ đầu tiên, việc dạy và học của trường ngày càng đi vào nền nếp. Trường cũng đã cân đối được các tiết dạy cho giáo viên (GV) đảm bảo quyền lợi người lao động. Nhiều tổ chuyên môn như Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc đã có sự bổ trợ cho nhau trong sinh hoạt để nâng cao chất lượng dạy học”.

Động lực mới nâng cao chất lượng giáo dục Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của ban giám hiệu các nhà trường là điều kiện để giáo viên biệt phái yên tâm công tác.

“Cú hích” nâng cao chất lượng

Nói về Nghị quyết 96 của HĐND tỉnh, nhiều cán bộ, GV cho rằng: Lần đầu tiên Hà Tĩnh có một nghị quyết về giáo dục bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và yêu cầu đổi mới, trong đó, quan điểm “Giáo dục là quốc sách” luôn được đặt lên hàng đầu. Quan điểm ấy được thể hiện rõ ở trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Động lực mới nâng cao chất lượng giáo dục Hà Tĩnh

Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa góp phần xây dựng những ngôi trường chuẩn khang trang, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy.

Năm học 2018 - 2019, vận dụng linh hoạt các nguồn từ trái phiếu Chính phủ, kiên cố hóa trường lớp, nguồn xây dựng nông thôn mới và ngân sách của các địa phương, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư “thay áo mới” cho những mái trường. Từ vùng núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang đến các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh…, phong trào xã hội hóa giáo dục để xây dựng và củng cố cơ sở vật chất dạy học được đẩy mạnh. Điều đó không chỉ nâng chất, tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho GV và học sinh trong các hoạt động dạy và học.

“Cú hích” làm chuyển biến chất lượng giáo dục còn được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 96 với các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thầy Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở GD&ĐT cho biết: “Nghị quyết lần này có rất nhiều chính sách ưu đãi cho GV, học sinh. Trong đó có 3 chính sách cho các đối tượng tinh giản, 2 chính sách cho các đối tượng đào tạo lại trong quá trình sắp xếp trường lớp; 2 chính sách cho GV giỏi và đội ngũ nòng cốt của ngành. Ngoài ra, còn có các chính sách cho GV biệt phái, nâng cao chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh, chính sách dành cho học sinh giỏi… Đó chính là động lực để các thầy cô giáo, học sinh không ngừng cố gắng”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast