Ngôi nhà chung của học sinh 10 dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sự quan tâm chăm sóc của các thầy cô giáo cùng với niềm tin vào tương lai là động lực chung để Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh trở thành ngôi nhà thứ 2 cho học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh.

Ngôi nhà chung của học sinh 10 dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh

Ước mơ theo đuổi con chữ của các em học sinh dân tộc đã được thầy cô chắp cánh bằng những giờ học hấp dẫn

Gắn bó với ngôi trường từ năm đầu của bậc tiểu học, nay đã 12 năm nhưng đến tận bây giờ cô nữ sinh người dân tộc Chứt, Hồ Thị Thường vẫn không thể quên được những ngày đầu rời bản. Nỗi nhớ mẹ, nhớ rừng cồn cào khiến em cùng các bạn nhiều lúc muốn trốn học để trở về. Thế nhưng, thời gian cùng với sự quan tâm của các thầy cô giáo trong từng bữa ăn, giấc ngủ đã dần giúp em quên đi sự e ngại trong giao tiếp khi ngôn ngữ và phong tục tập quán khác biệt. Tình cảm, sự quan tâm ấm áp ấy đã cho em quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Hồ Thị Thường cho biết: “ Ở đây mỗi thầy cô giáo đều là một người cha, người mẹ của chúng em. Năm nay đã lên lớp 12, em sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ sự quan tâm chăm sóc của các thầy cô, để có kiến thức góp phần xây dựng bản làng”.

Được thành lập từ năm 1996, đến nay Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã có hơn 200 học sinh thuộc 10 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Hà Tĩnh theo học. Đó là các dân tộc Mường, Lào, Thái, Chứt, Mán, Tày, Nguồn, Khơ me, Sán dìu, Nùng và 12 học sinh người Kinh thuộc đối tượng sinh sống lâu dài ở vùng đặc biệt khó khăn. Trước đây, trường có cả học sinh ở bậc tiểu học, nhưng từ năm 2014-2015 đến nay trường chỉ còn học sinh từ bậc THCS đến THPT. Bớt đi nỗi vất vả, khó khăn khi chăm lo học sinh ở bậc tiểu học, cán bộ giáo viên nhà trường lại đối mặt với nỗi lo quản lý, giáo dục lứa học sinh ở tuổi thanh niên.

Ngôi nhà chung của học sinh 10 dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh

Thầy cô còn là người cha, người mẹ thứ 2 ở trường giúp các em từng bước hòa nhập, tự tin hơn

Thầy Đặng Thái Mân - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT dân tộc nội trú cho biết: “Là trường đặc thù nên hoạt động giáo dục, chăm lo cho học sinh cũng rất khác biệt. Để đồng thời làm tốt 2 nhiệm vụ giáo dục kiến thức và rèn luyện kỹ năng, phong cách, lối sống cho các em, mỗi giáo viên phải hết sức tâm huyết và trách nhiệm, làm việc không kể thời gian”.

Nhà trường đã khảo sát, phân loại học sinh để có chương trình giảng dạy, bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đại trà, đặc biệt xây dựng chương trình riêng để phụ đạo cho học sinh lớp 6. Cùng với các hoạt động chuyên môn, việc giáo dục các em hình thành phong cách, lối sống được thực hiện ngay từ chương trình hòa nhập từ đầu mỗi năm học và các hoạt động tìm hiểu tâm lý, tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh sống của từng em. Quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp, Ban giám hiệu đã cắt cử giáo viên trực 24/24h ở khu nội trú để kiểm tra, nhắc nhở các em từ việc học tập đến ý thức chấp hành kỷ luật, giờ giấc ăn ngủ…

Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 cho biết: “Giáo viên ở đây, ngoài nhiệm vụ dạy học còn có trách nhiệm giáo dưỡng cho các em. Không chỉ duy trì chế độ trực chủ nhiệm vào mỗi đêm để đốc thúc các em việc học hành mà còn phải quan tâm, để ý đến các em ngay cả trong những hoạt động đời thường để kịp thời khuyên bảo, định hướng cho các em”.

Ngôi nhà chung của học sinh 10 dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh

Sự chăm lo của các thầy cô giáo đã giúp học sinh nâng cao ý thức học tập

Từ sự quan tâm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, nhiều học sinh đã từng bước vượt qua sự tự ti để hòa nhập với bạn bè bằng những hoạt động tập thể. Kỹ năng sống của các em cũng từng bước được hoàn thiện hơn.

Em Trần Thị Mỹ Liên, lớp 9, dân tộc Lào ở Hương Quang (Vũ Quang) cho biết: "Lớp em có 30 bạn thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhưng rất yêu thương và gắn bó với nhau. Cùng học tập, sinh hoạt, cùng ăn ở, chúng em có điều kiện giúp đỡ, động viên nhau để cùng vươn lên trong cuộc sống”.

Từ sự quan tâm chăm sóc của các thầy cô giáo, ý thức, nền nếp học tập của các em ngày càng chuyển biến. Tình trạng bỏ học, nghỉ học không có lý do của học sinh đã được khắc phục, chất lượng giáo dục đại trà của trường từng bước được nâng cao. “Năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường đạt gần 100%, toàn trường không có học sinh yếu”- Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast