
Giữa muôn trùng biển khơi, các thầy giáo nơi huyện đảo Trường Sa vẫn ngày đêm cần mẫn trên từng trang giáo án. Những bài giảng của thầy đã bồi đắp thêm kiến thức, niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước cho những mầm non nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NHỮNG LỚP HỌC ĐẶC BIỆT GIỮA TRÙNG KHƠI
Vừa qua, chúng tôi cùng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân ra thăm cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân tại huyện đảo Trường Sa. Sau hành trình dài vượt sóng, tàu Khánh Hòa 561 chính thức cập cảng thị trấn Trường Sa - điểm đầu tiên trên hành trình dài đến với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Một thị trấn sầm uất dần hiện hữu với những con đường xanh rợp bóng những cây bàng vuông, phong ba, nho biển. Giữa màu xanh sinh sôi của sự sống, sự trù phú của các khu dân cư, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa hiện hữu ngay trung tâm thị trấn. Ngôi trường 2 tầng khang trang được trang bị khá đầy đủ tiện nghi phục vụ nhu cầu học tập của con em trên đảo. Hòa trong tiếng gió biển lao xao là những giọng hát ngân nga, trong trẻo, tiếng đọc bài của các em nhỏ... Tất cả tạo nên một bức tranh cuộc sống thanh bình.

Trung tá Cấn Ngọc Sơn – Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trên đảo, năm 2013, Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp với Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trao tặng thị trấn ngôi trường này. Ngoài các phòng học, phòng chức năng, trường còn được trang bị khu vui chơi giúp các em thư giãn, giải trí sau những giờ học”.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi chứng kiến một giờ học trên đảo là không khí học tập nghiêm túc, những ánh mắt háo hức, chăm chú dõi theo lời giảng của thầy. Vẫn là những bài học trong chương trình, là bảng đen, phấn trắng nhưng sự khác biệt của lớp học nơi đảo xa đó là nhiều học sinh với độ tuổi khác nhau cùng chung 1 lớp.



"DO SỐ LƯỢNG HỌC SINH ÍT NÊN VIỆC HỌC CỦA TRƯỜNG CHIA LÀM 2 NHÓM LỚP: NHÓM MẦM NON VÀ NHÓM TIỂU HỌC (GỒM HỌC SINH TỪ LỚP 1 ĐẾN LỚP 5). CÁC EM SẼ ĐƯỢC HỌC ĐẦY ĐỦ CÁC MÔN VĂN HÓA NHƯ TRONG ĐẤT LIỀN."
.................
Thầy Lê Xuân Hạnh
Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa
Thầy Lê Xuân Hạnh cho biết: “Do số lượng học sinh ít nên việc học của trường chia làm 2 nhóm lớp: nhóm mầm non và nhóm tiểu học (gồm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5). Các em sẽ được học đầy đủ các môn văn hóa như trong đất liền. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên học sinh chưa được tiếp cận sớm bộ môn ngoại ngữ”.
Cách đó không xa, thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền cũng đang quây quần với các trò nhỏ lớp mầm non trong hoạt động tập hát múa bài “Yêu lắm Trường Sa” để chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ. Tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên vút lên giữa sóng biển rì rào làm chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.

Em yêu lắm Trường Sa ơi/Yêu cát trắng và yêu biển xanh/Yêu những con tàu cùng nhau ra khơi yêu những con đường trải dài cây xanh/Và em yêu lắm những cây ba cua hoa xinh tươi khoe sắc giữa trời/Yêu cây phong ba vươn mình trong gió luôn luôn hiên ngang giữ lấy kiên trung…
Cũng như ở thị trấn Trường Sa, các lớp học ở cũng được chia theo bậc học - lớp mầm non và lớp tiểu học.
"DO HỌC SINH NHIỀU ĐỘ TUỔI, NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH TRONG CÙNG 1 LỚP NÊN KHI GIẢNG BÀI, CHÚNG TÔI RẤT ÍT KHI DÙNG BẢNG. VÌ NẾU DÙNG BẢNG CHO MỘT CHÁU SẼ LÀM PHÂN TÂM CÁC CHÁU KHÁC."
.................
Thầy Lưu Quốc Thịnh
Trường Tiểu học đảo Đá Tây A
Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh chia sẻ: “Do học sinh nhiều độ tuổi, nhiều chương trình trong cùng 1 lớp nên khi giảng bài, chúng tôi rất ít khi dùng bảng. Vì nếu dùng bảng cho một cháu sẽ làm phân tâm các cháu khác. Để khắc phục tình trạng đó, mỗi buổi học, thầy phải đến từng bàn, từng học trò để hướng dẫn cụ thể, kèm theo nhóm. Giảng bài mới cho nhóm này đến khi nào các em hiểu tự làm được, thầy lại sang hướng dẫn nhóm khác sửa bài tập. Cứ thế, thầy như con thoi qua lại giữa các trò”.




Vất vả là vậy, nhưng trong những lớp học không bao giờ thiếu tiếng cười nói rôm rả của thầy trò. Sau mỗi giờ học, giáo viên, học sinh 2 lớp lại tổ chức các trò chơi chung. Các em lớp lớn sẽ giúp thầy kèm học trò nhỏ. Đó cũng là cách để siết chặt tình đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, yêu trường, yêu lớp, yêu biển đảo trong mỗi học sinh.
"HẰNG NGÀY, NGOÀI VIỆC DẠY CHỮ, DẠY KIẾN THỨC, CÁC THẦY CÒN KỂ CHO CHÚNG CON NGHE VỀ LỊCH SỬ BIỂN ĐẢO CỦA QUÊ HƯƠNG. ĐIỀU NÀY GIÚP CHÚNG CON THÊM HIỂU, THÊM YÊU VÀ CÀNG TỰ HÀO, GẮN BÓ VỚI NƠI MÌNH ĐANG SỐNG"
.................
Em Trương Nguyễn Triệu Vy
Lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa
Em Trương Nguyễn Triệu Vy, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ: "Hằng ngày, ngoài việc dạy chữ, dạy kiến thức, các thầy còn kể cho chúng con nghe về lịch sử biển đảo của quê hương. Điều này giúp chúng con thêm hiểu, thêm yêu và càng tự hào, gắn bó với nơi mình đang sống".
Học ở Trường Sa, sau khi hoàn thành lớp 5, học sinh sẽ được đưa vào đất liền để bước sang bậc THCS. Dù trong điều kiện học tập còn thiếu thốn nhưng các em đều rất ham học, nhờ đó tiếp thu tốt các kiến thức, kỹ năng mà giáo viên truyền dạy. Cũng qua chia sẻ của các giáo viên và phụ huynh, học sinh ở Trường Sa khi vào đất liền đều có sự bắt nhịp tốt với môi trường mới. Các em được học bổ sung, học phụ đạo tiếng Anh và Tin học nên cũng từng bước bắt nhịp với bạn cùng trang lứa.

"VỚI SỰ TẬN TÂM CỦA GIÁO VIÊN NÊN CÁC CON ĐỀU RẤT CHĂM NGOAN, TIẾP THU VỮNG CÁC KIẾN THỨC, KỸ NĂNG. ĐÓ LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ CHÚNG TÔI YÊN TÂM GẮN BÓ HƠN VỚI THỊ TRẤN ĐỂ GÓP PHẦN BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC."
.................
Chị Lê Thị Minh Diệu
Thị trấn Trường Sa
Chị Lê Thị Minh Diệu – một hộ dân sống ở thị trấn Trường Sa cho biết: “Với sự tận tâm của giáo viên nên các con đều rất chăm ngoan, tiếp thu vững các kiến thức, kỹ năng. Đó là động lực để chúng tôi yên tâm gắn bó hơn với thị trấn để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
“Hiện nay, điều trăn trở nhất đối với chúng tôi là học sinh không có điều kiện để học ngoại ngữ và tin học. Chính vì vậy, rất mong chính quyền huyện đảo, Ban Chỉ huy huyện đảo Trường Sa hỗ trợ trang bị hệ thống máy tính để các chúng tôi có thể dạy tiếng Anh và Tin học cho các em trong khả năng có thể. Từ đó, giúp các em hòa nhập nhanh hơn khi vào bậc THCS ở đất liền”, thầy giáo Lưu Quốc Thịnh – Trường Tiểu học Đá Tây A chia sẻ.
TỰ HÀO LÀ GIÁO VIÊN TRƯỜNG SA
Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở đất liền, việc đem con chữ đến với học trò là cả một hành trình gian nan của các thầy cô giáo. Nhiều người đã phải băng rừng, vượt suối, cơm đùm cơm nắm để cắm bản vận động học sinh đi học. Thế nhưng, đối với những thầy giáo tình nguyện ra Trường Sa, hành trình “gieo chữ” giữa muôn trùng sóng gió lại càng khó khăn gấp bội. Chính vì vậy, trong hành trang đến với học sinh các huyện đảo của những người thầy, ngoài nhiệt huyết, trách nhiệm, tình yêu nghề, yêu học sinh, họ còn mang nặng tình yêu với biển đảo quê hương.

Đến với Trường Sa ở tuổi 53, thầy giáo Lê Xuân Hạnh (SN 1970, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã mang đến cho học sinh nơi đầu sóng ngọn gió một tình yêu đặc biệt. Thầy đã được cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo gọi bằng cái tên thân thương: “ông giáo già”.
Được biết, năm 2023, khi đang dạy học ở Trường Tiểu học Cam Phước Tây 1, huyện Cam Lâm, thầy đã viết đơn tình nguyện ra dạy học ở Trường Sa. Quyết định của thầy khiến đồng nghiệp, gia đình không khỏi bất ngờ, bởi lúc này tuổi đời của thầy đã không còn trẻ, thời gian công tác không còn nhiều.

Nói về quyết định của mình, thầy giáo Lê Xuân Hạnh trải lòng: “Tôi nghĩ, mình đã 35 năm công tác, trong đó có 15 năm gắn bó với học trò vùng cao. Giờ đây còn lại ít năm cống hiến, tôi muốn làm một điều gì đó cho trẻ em ở biển đảo - nơi mà cha mẹ các em đang ngày đêm góp sức canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc".
"TRƯỜNG SA CŨNG SẼ LÀ NƠI KHÉP LẠI QUÃNG ĐƯỜNG LÀM NGHỀ "LÁI ĐÒ", LÀ GỬI GẮM KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN VÀ NIỀM TỰ HÀO CHO CON NỐI TIẾP NHỮNG GIÁ TRỊ CAO ĐẸP CỦA NGHỀ GIÁO."
.................
Thầy giáo Lê Xuân Hạnh
Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa
"Tôi ra công tác ở nơi đảo xa thời điểm này cũng đỡ hơn người khác, đó là khi con cái đều đã trưởng thành, trong đó có con nối nghiệp bố. Vợ tôi cũng ủng hộ quyết định của tôi. Ra tình nguyện thời gian là 5 năm nhưng với tôi, Trường Sa cũng sẽ là nơi khép lại quãng đường làm nghề "lái đò", là gửi gắm khát vọng cống hiến và niềm tự hào cho con nối tiếp những giá trị cao đẹp của nghề giáo”, thầy Hạnh cho biết.
Đối với thầy Lưu Quốc Thịnh (SN 1970, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) – giáo viên tình nguyện ra Trường Sa công tác từ giữa năm 2023. Dù từng công tác ở một trường thuộc xã đảo huyện Vạn Ninh nhưng khi khi đặt chân đến Trường Sa, cảm xúc của thầy vẫn bồi hồi, xúc động, tự hào.

“Do ở xa đất liền, đi lại không thuận tiện nên mỗi năm tôi chỉ về nhà một lần vào dịp nghỉ hè. Giữa bao la trùng khơi, nỗi nhớ gia đình, người thân càng da diết. Nhưng ở đây, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền xã đảo, các đồng chí bộ đội, sự đùm bọc, sự yêu thương của các bậc phụ huynh. Và đặc biệt, tình cảm ấm áp, tinh thần hiếu học của các em đã tiếp thêm nhiều động lực cho chúng tôi vững vàng thực hiện sứ mệnh”, thầy Thịnh tâm sự.

"NĂM 2023, KHI CÓ CƠ HỘI ĐƯỢC RA TRƯỜNG SA DẠY HỌC, TÔI ĐÃ KHÔNG NGẦN NGẠI ĐĂNG KÝ. BỞI TÔI NGHĨ RẰNG, ĐÂY LÀ MỘT TRẢI NGHIỆM VÔ CÙNG ĐẶC BIỆT, LÀ NIỀM VINH DỰ, TỰ HÀO TRONG SỰ NGHIỆP CỦA MỖI GIÁO VIÊN."
.................
Thầy Cao Văn Truyền
Là người trẻ nhất ra tình nguyện dạy học ở Trường Sa, thầy Cao Văn Truyền (SN 1989, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) chia sẻ: “Năm 2023, khi có cơ hội được ra Trường Sa dạy học, tôi đã không ngần ngại đăng ký. Bởi tôi nghĩ rằng, đây là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, là niềm vinh dự, tự hào trong sự nghiệp của mỗi giáo viên. Dẫu nơi đây điều kiện dạy học, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, nhưng cho đến bây giờ, sau hơn 2 năm công tác, tôi đã không hối hận về quyết định của mình. Tôi luôn dặn lòng sẽ cố gắng truyền tải hết những kiến thức, hiểu biết để bù đắp phần nào những thiếu thốn của học sinh nơi đây. Đây cũng là cách những “chiến sĩ” cầm phấn như chúng tôi góp phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương”.

Trực tiếp gặp gỡ các chiến sỹ, người dân và các thầy giáo đang công tác, sinh sống ở Trường Sa, chúng tôi càng thấu hiểu tinh thần, trách nhiệm và sự hy sinh to lớn cho Tổ quốc. Rời huyện đảo trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trời đổ mưa nặng hạt nhưng cán bộ và Nhân dân trên các đảo vẫn đội mưa, sắp hàng chỉnh tề ra tận bến cảng để tiễn chúng tôi về với đất liền. Trong dòng người đó có “ông giáo già” Lê Xuân Hạnh, thầy giáo Cao Văn Truyền cùng nhiều em học sinh - những mầm xanh nơi biển đảo quê hương.
Dẫu còn những khó khăn, vất vả, song với tình yêu nghề, yêu trẻ, những con chữ sẽ tiếp tục được các thầy giáo cần mẫn, miệt mài "ươm mầm" nơi đảo xa, tạo nên sức sống mãnh liệt nơi Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

"NÓI ĐẾN SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI Ở TRƯỜNG SA LÀ NÓI ĐẾN TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, SỰ HY SINH THẦM LẶNG CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY."
.................
Thượng tá Mai Quang Tiên
Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân
Thượng tá Mai Quang Tiên – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Nói đến sự nghiệp trồng người ở Trường Sa là nói đến tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh thầm lặng của những người thầy. Họ như những cây phong ba, lặng lẽ cống hiến nơi đầu sóng ngọn gió. Lòng yêu nghề, nhiệt huyết của họ đã “ươm mầm” trong tâm hồn, suy nghĩ của trẻ về kiến thức, tình yêu thương, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh cần mẫn của các thầy trên từng trang giáo án, trong từng buổi học… đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho quân và dân trên huyện đảo trong việc nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ từng tấc đất của quê hương”.
NỘI DUNG: PHÚC QUANG
THIẾT KẾ: THÀNH NAM