Buổi ngoại khóa “Trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích” của Liên đội Trường Tiểu học Xuân Giang (xã Xuân Giang, Nghi Xuân) được tổ chức ngay tại bể bơi trên địa bàn xã đã thu hút gần 300 học sinh (HS) khối 4-5 tham gia.

Với hình thức tuyên truyền lôi cuốn, hấp dẫn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, HS đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân và những nguy cơ tiềm ẩn đuối nước; nguyên tắc an toàn khi bơi; kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, chống thương tích...
Ở mỗi nội dung tuyên truyền, các thầy cô cũng đã đưa ra nhiều tình huống để HS trực tiếp tham gia xử lý như: gặp trường hợp người bị tai nạn đuối nước, phương pháp sơ cấp cứu người tai nạn đuối nước...
“Hoạt động ngoại khóa này là dịp để nhà trường nhắc nhở, cảnh báo cho HS về phòng tránh đuối nước. Đây cũng là cách trang bị cho các em kỹ năng sống cần thiết, nâng cao ý thức về đảm bảo an toàn cho bản thân trước những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, nhất là tai nạn đuối nước…”, cô Phạm Thị Thủy - Tổng phụ trách Đội (Trường Tiểu học Xuân Giang) thông tin.

Trường THCS Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) vừa phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; phòng chống tai nạn đuối nước, phòng chống cháy rừng năm 2025 cho gần 600 HS và cán bộ, giáo viên.
Thượng úy Lê Xuân Danh - cán bộ Công an xã Kỳ Thượng cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp thông tin, thực trạng, về tai nạn đuối nước, phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng trên địa bàn và các khu vực lân cận. Đồng thời, đưa ra nhiều tình huống để các em biết cách xử lý khi gặp trường hợp tương tự, điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi các em chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè”.

Chương trình ngoại khóa với chủ đề “An toàn dưới nước - kỹ năng sống còn” của Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) vừa được tổ chức đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với hơn 1.600 HS. Từ tiểu phẩm “Còn đó nỗi lo” tái hiện một vụ tai nạn đuối nước, HS đã nhận thức rõ hơn về sự chủ quan, thiếu kiến thức và kỹ năng bơi lội dẫn đến những hậu quả đau lòng. Sau phần tiểu phẩm, HS đã được tham gia trả lời câu hỏi, thảo luận về nguyên nhân, hậu quả của đuối nước, cũng như các kỹ năng cần thiết khi bơi lội. Những kiến thức bổ ích được truyền tải qua hình thức hỏi đáp, thực hành cứu đuối và trải nghiệm kỹ thuật bơi.

Em Trần Văn Thắng - lớp 12A1 chia sẻ: “Việc tuyên truyền các kiến thức phòng chống đuối nước được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa và trò chơi thi bơi trên cạn để hướng dẫn kỹ thuật bơi của thầy giáo đã tạo nên sân chơi hấp dẫn. Giúp chúng em nhớ lâu hơn những kiến thức, kỹ năng về bơi lội, về phòng chống đuối nước để đảm bảo an toàn cho bản thân và kỹ năng xử lý tình huống khi cứu người bị đuối nước”.
Với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, những ngày cuối cùng của năm học, các nhà trường đang tăng cường giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho HS. Hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp các em HS có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích chào đón mùa hè vui khỏe, an toàn.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em, nhưng nhiều vụ đuối nước thương tâm vẫn xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, đồng thời triển khai kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ một cách nghiêm túc, đa dạng hóa các hình thức để cung cấp kỹ năng, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân của mỗi HS.
Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, nhà trường và chính quyền địa phương thì quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ phía gia đình để bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ về tai nạn đuối nước có thể xảy ra.