Giúp người chấp hành xong án phạt tù kiến tạo cuộc sống mới

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh vừa được phân bổ gần 7 tỷ đồng tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng CSXH tỉnh đang tập trung giải ngân nguồn vốn theo quy định.

Nhiều người chấp hành xong án phạt tù ở Hà Tĩnh luôn mong ước làm lại cuộc đời, từng bước xây dựng lại cuộc sống. Tuy vậy, hành trình quay về nẻo thiện của họ đối mặt không ít khó khăn khi vẫn còn đó những định kiến xã hội và nan giải trong tìm kiếm việc làm. Vậy nên khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22) có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông chính sách, tích cực triển khai chương trình tín dụng đặc biệt này.

Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh tăng cường tuyên truyền về chương trình tín dụng theo Quyết định 22.

Thực tiễn cho thấy, chính sách nhân văn này đã giúp những người lầm lỡ có thêm nguồn lực để đầu tư gầy dựng mô hình, phát triển kinh tế, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng và kiến tạo cuộc sống mới.

Sau thời gian chấp hành án tù trở về quê hương, anh N.V.V. (SN. 1976, trú tại thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) quyết tâm làm lại cuộc đời, gầy dựng kinh tế để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, anh V. được gia đình bảo lãnh vay số tiền 80 triệu đồng, trở thành một trong 8 khách hàng trên địa bàn huyện Kỳ Anh tiếp cận vốn vay theo Quyết định 22. Có vốn trong tay, anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Với lợi thế vùng miền, hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình đã phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.

Ông Phạm Anh Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXCH huyện Kỳ Anh cho biết: “Ngay từ khi có Quyết định 22 và văn bản của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, đơn vị đã tích cực tham mưu cho UBND huyện Kỳ Anh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai chương trình. Đồng thời, phối hợp và ký văn bản thoả thuận với Công an huyện về cho vay đối với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã cho vay 8 khách hàng với tổng số tiền 690 triệu đồng. Các khách hàng vay sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương”.

Cũng theo ông Phạm Anh Đức, Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh đang tiếp tục phối hợp, tiến hành rà soát danh sách 373 người mãn hạn tù giai đoạn từ tháng 5/2019 đến nay của Công an huyện Kỳ Anh gửi sang. Trước mắt, đã có 42 hộ có nhu cầu vay vốn với số tiền dự kiến 3 tỷ đồng. Trong tháng 5/2024, đơn vị dự kiến sẽ giải ngân cho 12 khách hàng đủ điều kiện với số tiền 1,1 tỷ đồng.

Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang thời gian qua cũng đã nỗ lực triển khai hiệu quả chương trình tín dụng này với 7 khách hàng được thụ hưởng, tổng dư nợ 560 triệu đồng.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay ủy thác qua các tổ chức Hội.

Ông Phan Thanh Tùng – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang cho hay: "Quyết định cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn, khẳng định sự chung tay của Nhà nước và xã hội trong việc tái hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với những người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, giúp những người đã từng lầm lỡ có điều kiện ổn định cuộc sống, phù hợp với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách tín dụng đặc biệt này cũng sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, có thêm nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh".

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang tiếp tục phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền để triển khai cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Cùng với Kỳ Anh, Vũ Quang, hiện các địa phương trên toàn tỉnh cũng đang gấp rút triển khai chương trình này khi Ngân hàng CSXH tỉnh vừa được phân bổ thêm gần 7 tỷ đồng trong tháng 5/2024.

Tính đến ngày 16/5/2024, tổng dư nợ chương trình tín dụng theo Quyết định 22 ở Hà Tĩnh đạt 4,885 tỷ đồng với 60 khách hàng được thụ hưởng.

Ông Phan Ngọc Vũ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh thông tin: “Tính đến ngày 16/5/2024, tổng dư nợ chương trình này đạt 4,885 tỷ đồng với 60 khách hàng được thụ hưởng. Trong đó, các huyện có dư nợ cao như: Cẩm Xuyên 840 triệu đồng, Kỳ Anh 690 triệu đồng, Đức Thọ 640 triệu đồng, Vũ Quang 560 triệu đồng… Thông qua nguồn vốn vay, không chỉ tạo điều kiện cho người hoàn lương thúc đẩy quá trình hòa nhập với cộng đồng mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm, từ đó góp phần tạo ra nền tảng thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền địa phương các cấp để triển khai hiệu quả chương trình; hướng dẫn, hồ sơ thủ tục theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận kịp thời vốn vay. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói