Tín dụng chính sách "thắp" niềm hy vọng cho những người từng lầm lỡ

(Baohatinh.vn) - Từng lầm lỗi, những người chấp hành xong án phạt tù ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã được Ngân hàng CSXH tiếp vốn phát triển kinh tế, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

bqbht_br_4.jpg
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ kiểm tra hiệu quả của các nguồn vốn tại xã An Dũng.

Trở về tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian hơn 2 năm chấp hành án phạt tù vì tội gây rối trật tự công cộng, anh Nguyễn Trọng Quyến (thôn Đại Tiến, xã An Dũng) đã từng gặp khó khăn vì không có vốn để phát triển kinh tế.

bqbht_br_10.jpg
Sau khi mãn hạn tù anh Nguyễn Trọng Quyến được Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ cho vay vốn để xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen.

Trong lúc chưa biết tính toán ra sao, đầu năm 2024, anh may mắn được làm thủ tục vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Có vốn, anh đã cải tạo ruộng thấp trũng, sản xuất lúa không hiệu quả, phát triển mô hình đa cây đa con, trong đó chủ yếu là thả cá và ốc bươu đen kết hợp với gieo trỉa rau màu các loại.

Sau mùa vụ đầu tiên, mặc dù hiệu quả chưa cao nhưng anh Quyến không nản chí, mà coi như đúc rút thêm kinh nghiệm để tiếp tục cải tạo, đưa mô hình phát triển.

bqbht_br_8.jpg
Nhờ nguồn vốn chính sách, anh Nguyễn Trọng Quyến có cơ hội để làm lại cuộc đời.

Anh Nguyễn Trọng Quyến cho biết: “Khi trở về sau thời gian chấp hành án phạt tù, tôi nghĩ mình không còn tương lai. Chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã là động lực giúp những người như tôi tái hòa nhập cộng đồng. Được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, tôi có cơ hội đứng lên, làm lại cuộc đời. Từ số tiền vay, tôi sẽ cố gắng làm ăn để tích góp và trả nợ cho ngân hàng".

Ông Phan Văn Cừ - Trưởng thôn Đại Tiến, xã An Dũng cho hay: “Con người ta ai cũng có lúc mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là họ đã nhìn nhận được và sửa chữa. Tôi rất mừng khi thấy anh Quyến đã vượt được những khó khăn, trở ngại để tái hòa nhập cộng đồng. Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH không chỉ giúp cá nhân anh mà góp phần phát triển kinh tế cả thôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, tuyên truyền giáo dục, tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp anh phát triển mô hình một cách thuận lợi”.

bqbht_br_5.jpg
Từ nguồn vốn 100 triệu đồng, anh Nguyễn Ngọc Lĩnh đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại chăn nuôi cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Ngọc Lĩnh, (thôn Tân Thành, xã Tân Hương) từng vướng vào lao lý với tội danh gây tai nạn chết người, rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Chấp hành xong án phạt tù, anh Lĩnh vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã hoàn thành thời gian chấp hành án phạt nhưng lo là vì phải quay lại từ đầu, nhất là tìm kiếm việc làm, và nguồn vốn để làm ăn.

Trong lúc bối rối do khó khăn thì Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ cho vay 100 triệu đồng, đầu tư cải tạo hơn 4.000 m2 vườn đồi phát triển chăn nuôi. Khởi đầu thuận lợi, sau gần 1 năm chăm chỉ làm ăn, mô hình chăn nuôi bò, lợn nái kết hợp với gia cầm của gia đình anh đã đưa lại nguồn thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm.

bqbht_br_1.jpg
Đàn bò cho thu nhập chính của anh Hoàng Ngọc Lĩnh.

Anh Hoàng Ngọc Lĩnh cho biết: “Tôi đã từng đi tìm kiếm việc làm nhưng không chỗ nào nhận. Sau khi được Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ cho vay vốn, tôi đã xây dựng mô hình. Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, giờ đây, bản thân tôi không chỉ có việc làm mà còn thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình”.

Anh Nguyễn Trọng Quyến và anh Hoàng Ngọc Lĩnh là những người đã từng sa chân vào con đường phạm tội. Sau thời gian phải trả giá bằng án phạt tù, họ nỗ lực làm lại cuộc đời bằng cách làm ăn lương thiện. Chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở thành "cứu cánh" để những người lầm lỗi có thể làm lại cuộc đời.

Trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có 11 trường hợp đã chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH theo Quyết định 22. Tổng dư nợ đến thời điểm này hơn 1 tỷ đồng. Có số vốn này, người thì dùng để làm chi phí học nghề, người mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Bên cạnh họ, luôn có cộng đồng quan tâm, giúp đỡ.

Thượng úy Phan Xuân Quý - Công an xã Tân Hương cho biết: “Khi có chủ trương thực hiện Quyết định 22, chúng tôi cũng đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện rà soát, nắm tình hình các đối tượng, nhu cầu, nguyện vọng; phối hợp chính quyền địa phương rà soát các trường hợp đảm bảo điều kiện, thực hiện thủ tục, hồ sơ đúng thủ tục quy trình, và đúng đối tượng. Chúng tôi luôn xem chính sách này là nhân văn, cao cả để hỗ trợ cho những công dân tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

bqbht_br_9.jpg
Trên địa bàn huyện Đức Thọ có 11 trường hợp mãn hạn tù được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế.

Ông Đậu Ngọc Luyến - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ cho biết: “Thực hiện Quyết định 22 của Chính phủ về chính sách cho vay đối với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù, trên cơ sở danh sách mà công an các xã lập, tổ vay vốn, tiết kiệm sẽ bình xét, hướng dẫn hồ sơ gửi lên Ngân hàng CSXH để người dân được tiếp cận vay vốn. Quá trình cho vay, ngân hàng sẽ thường xuyên duy trì chế độ kiểm tra, giám sát để nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả. Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện đang phối hợp với Công an huyện Đức Thọ tham mưu UBND huyện chuyển nguồn vốn cho vay qua các tổ chức uỷ thác của ngân hàng để tiếp tục cho vay đối với chương trình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vừa đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, quy định:

- Đối với vay vốn để đào tạo nghề: mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người.

- Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người.

- Với cơ sở sản xuất kinh doanh: mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Chủ đề Vì người nghèo

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.