Hà Tĩnh cần khai thác tiềm năng du lịch từ các hồ đập thủy lợi

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng nguồn nước tự nhiên từ các hồ đập khá lớn với dung tích và trữ lượng khoảng 1,74 tỷ m3. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá, cần được quản lý, khai thác đa mục tiêu và chuỗi giá trị gia tăng.

Hồ Kẻ Gỗ - có dung tích hơn 345 triệu m3 nước, là điểm du lịch, nghỉ dưỡng 4 mùa lý tưởng

Theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có số lượng hồ chứa nhiều nhất cả nước với khoảng 350 hồ trên tổng số 6.500 hồ của cả nước. Tổng trữ lượng của các hồ chứa đạt khoảng 1,74 tỷ m3.

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên của Hà Tĩnh, hầu hết các hồ trên địa bàn là hồ nhân tạo, với vai trò, nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác. Các hồ này đồng thời cũng làm nhiệm vụ “cắt lũ” cho vùng hạ du về mùa mưa và điều tiết nước trong mùa hè.

Hồ Ngàn Trươi (Vũ Quang) - công trình nhân tạo có dung tích lớn thứ 3 cả nước, với sức chứa 775 triệu m3 nước. Ngoài chức năng thủy lợi, hồ Ngàn Trươi còn tạo ra hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng sinh học tại các vùng nước dâng đến.

“Với tổng trữ lượng nước mặt có thể khai thác của hồ đập trên địa bàn, kết hợp với khai thác nước ngầm sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước cho các ngành kinh tế xã hội. Vì vậy, Hà Tĩnh nên có quan điểm mới về sử dụng tài nguyên nước theo hướng khai thác đa mục tiêu và chuỗi giá trị gia tăng. Nên khuyến khích chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên các hồ đập thủy lợi” - GS.TS Trần Đình Hòa – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tư vấn.

Theo GS.TS Trần Đình Hòa, số lượng hồ có dung tích trên 3 triệu m3 của Hà Tĩnh khá nhiều (trên 45 hồ) và được phân bố tương đối đều khắp trên địa bàn. Tại các điểm phân bố hồ này rất gần với các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa và trung tâm văn hóa – chính trị của tỉnh. Nhiều hồ thủy lợi có vị trí giao thông thuận lợi, cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình”, môi trường trong lành.

Hồ Trại Tiểu (Can Lộc) có dung tích 15,6 triệu m3 nước, cách khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc 5 km, là điểm kết hợp du lịch sinh thái, tâm linh nhiều ý nghĩa

Có thể điểm qua một số hồ đập lớn trên địa bàn có “địa lợi, nhân hòa” để phát triển du lịch sinh thái như: Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên); hồ nhà Đường, Trại Tiểu (Can Lộc); hồ Sông Rác, Kim Sơn (Kỳ Anh); hồ Ngàn Trươi (Vũ Quang)… Đây là những hồ có trữ lượng nước, phong cảnh thiên nhiên đẹp, thuận lợi làm điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Các điểm này cũng có thể kết hợp với các điểm du lịch tâm linh khác của tỉnh. Bên cạnh không khí thanh tịnh nơi rừng núi, cảm giác tĩnh tại trong tâm hồn, du khách có thể tham quan, thắp hương tưởng niệm danh nhân văn hóa, lịch sử hay tận hưởng những giây phút tuyệt vời ở bãi biển Thiên Cầm trong lành, mát mẻ..

“Nếu các hồ đập này được xem xét kết hợp xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, khu hội thảo, tập huấn chuyên môn hoặc có thể chuyển hướng kết hợp khai thác thành khu phức hợp sản xuất, kinh doanh, du lịch sẽ rất hợp lý, mang lại hiệu quả về mọi mặt. Khi đó, Hà Tĩnh không chỉ thu hút du khách ở các khu ven biển về mùa hè mà còn thu hút được khách du lịch, nghỉ dưỡng về mùa đông” - GS.TS Trần Đình Hòa khẳng định.

Hà Tĩnh nên có quan điểm mới về sử dụng tài nguyên nước theo hướng khai thác đa mục tiêu và chuỗi giá trị gia tăng.

Quan điểm khai thác đa mục tiêu các hồ đập trên địa bàn, trong đó có phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của GS.TS Trần Đình Hòa cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trên lĩnh vực du lịch, văn hóa. Đây cũng là góp ý tích cực để các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh và đơn vị tư vấn xem xét, bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến 2020, lập quy hoạch tỉnh 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói