Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Có khá nhiều loại hình du lịch sinh thái đã được nước ta và các nước trên thế giới khai thác như: Du lịch xanh, du lịch dã ngoại, du thuyền trên sông, hồ, trên biển; du lịch thiên nhiên, tham quan miệt vườn, làng bản; du lịch môi trường; du lịch thám hiểm, mạo hiểm, lặn biển, thăm hang động… Theo nghĩa đó, từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh, từ Hồng Lĩnh ngược lên các vùng miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, ở đâu Hà Tĩnh cũng có tiềm năng về thắng cảnh thiên nhiên và đời sống văn hóa cộng đồng độc đáo để phát triển du lịch sinh thái.
Có thể thấy rất rõ tiềm năng du lịch sinh thái Hà Tĩnh ở các tài nguyên: Sông hồ, rừng núi, biển và nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo. Trước hết là hệ thống sông hồ với 12 sông chính, trong đó có nhiều sông có cảnh sắc thơ mộng gắn với nhiều truyền thuyết đẹp như sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông La, sông Lam, sông Nghèn, sông Rào Cái, sông Trí... Những làng quê ven các con sông ấy cũng nhiều tiềm năng để kết hợp khai thác du lịch sinh thái với các sinh hoạt văn hóa truyền thống như hát ví giặm, ca trù, sắc bùa hay các làng nghề như mộc, đan lát, làm hến, nấu kẹo cu đơ, kẹo lạc… Ngoài ra, còn có một số hồ lớn như: Kẻ Gỗ, Thượng Tuy (Cẩm Xuyên); Sông Rác, Rào Trổ (Kỳ Anh); Cù Lây, Cửa Thờ - Trại Tiểu (Can Lộc); Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Vũ Quang)... Những hồ này đều gắn với vùng rừng nguyên sinh hoặc các làng cổ, rất phù hợp để phát triển du lịch môi trường, du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên.
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Ảnh: Thanh Hải - Ánh Dương
Bạn Nguyễn Thảo Linh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi rất thích các loại hình du lịch sinh thái và đã đến rất nhiều miền quê trong và ngoài nước. Tôi nhận ra rằng, tài nguyên của họ không đặc biệt hơn Hà Tĩnh, chỉ có cách làm của họ hay hơn, họ khai thác triệt để hơn các giá trị thiên nhiên cũng như văn hóa bản địa để xây dựng nên các khu, điểm và tour tuyến du lịch độc đáo. Hà Tĩnh cũng hoàn toàn có thể khai thác du lịch du thuyền trên sông, hồ nếu được đầu tư đúng cách”.
Hòa mình vào thiên nhiên là một trong những lý do du khách tìm đến với du lịch sinh thái .Ảnh: Đức Cường
Cùng với tiềm năng về cảnh quan được tạo nên từ hệ thống sông, hồ, Hà Tĩnh còn sở hữu tiềm năng về rừng và hệ sinh thái rừng. Rừng Hà Tĩnh được đánh giá là khá phong phú, có nhiều loại thực, động vật quý hiếm. Theo thống kê, hiện nay, rừng Hà Tĩnh có nhiều loại động vật quý hiếm như voi, báo, hổ, vượn đen, sao la và có trên 500 loại cây thuộc 86 họ thân gỗ, trong đó có nhiều loại cây có giá trị như lim, sến, táu, mật, đinh, gõ, pơ mu… Đặc biệt, Hà Tĩnh có khu rừng nguyên sinh Vũ Quang, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị cho du lịch và nghiên cứu khoa học. Có các dãy núi: Hồng Lĩnh, Nam Giới, Thiên Nhẫn không chỉ đẹp ở sự kỳ vĩ mà còn nổi tiếng bởi những huyền thoại, huyền tích gắn với hệ thống chùa cổ như: Thiên Tượng, Chân Tiên, Hương Tích, Hầm Hầm... Tuy nhiên, các tiềm năng đó chưa được khai thác theo cách kết hợp để tạo nên những tour du lịch sinh thái độc đáo.
Du lịch Hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Bà Lê Thị Bích - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch OHANA - Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng quá nhiều tài nguyên để phát triển loại hình du lịch được ưa chuộng hiện nay - du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những tài nguyên đó hầu hết vẫn chưa được khai thác. Hiện nay, công ty chúng tôi đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái huyện Hương Khê. Theo đó, chúng tôi sẽ xây dựng tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm thiên nhiên cũng như đời sống cộng đồng của người bản xứ từ thác Vũ Môn, những vườn chè, cao su, cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch… Tôi hy vọng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tâm huyết, có trách nhiệm, cùng chúng tôi đánh thức du lịch sinh thái Hà Tĩnh”.
Nói đến tiềm năng du lịch sinh thái Hà Tĩnh, không thể nào không nhắc đến tài nguyên biển. Tuy không mấy lợi thế về thời tiết nhưng 137 km bờ biển Hà Tĩnh trải dài với nhiều bãi tắm đẹp, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và sự nguyên sơ. Trong đó, một số bãi biển đẹp đã được quy hoạch và bước đầu được đầu tư trở thành các khu nghỉ dưỡng như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con, Xuân Hải, Thạch Hải… Tuy nhiên, ngoài khai thác dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, các bãi biển Hà Tĩnh chưa khai thác các loại hình du lịch sinh thái như các trò chơi mạo hiểm, lặn biển, thám hiểm khám phá dưới lòng sâu của biển…
Trải nghiệm Khu du lịch Đồng Nôi (Cẩm Xuyên). Ảnh: Đình Nhất
Ông Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du cho biết: “Đi nhiều nước trên thế giới mới nhận ra biển của Hà Tĩnh quá đẹp, tiếc rằng, ngành du lịch hiện nay chưa có sự bứt phá để có thể khai thác những giá trị của biển, phát triển du lịch sinh thái biển”.
Hiện nay, du lịch Hà Tĩnh đang đứng trước những khó khăn về nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất. Hơn nữa những đặc điểm bất lợi về khí hậu cũng khiến các nhà đầu tư “chùn bước”. Những khó khăn chung đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác tiềm năng du lịch sinh thái. Hy vọng, với những chính sách đột phá, ưu tiên phát triển du lịch, thời gian tới, những tiềm năng du lịch sinh thái Hà Tĩnh sẽ được khai thác triệt để.
Ảnh: PV-CTV
Thiết kế: Huy Tùng