Là một trong những đơn vị đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX), Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh xác định, việc chấp hành giao thông đường bộ của cán bộ, giáo viên và người lao động, nhất là đội ngũ giáo viên dạy lái xe có ảnh hưởng quan trọng khi đây là những người “đặt nền móng” hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông cho học viên.
Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh thường xuyên phổ biến, quán triệt, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động không ngừng học tập, chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Trong tháng 9 này, hưởng ứng đợt cao điểm đảm bảo ATGT, nhà trường phối hợp với Thanh tra Giao thông, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho 81 cán bộ, giáo viên dạy lái.
Tại buổi tuyên truyền, cùng với việc được cán bộ thanh tra giao thông thông tin về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay, những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT) và mức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, một số điểm mới đáng chú ý của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp có hiệu lực thi hành, các giáo viên dạy lái đã thực hiện việc ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT.
Ông Nguyễn Sỹ Thắng – Trưởng phòng Ô tô - xe máy, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho hay, cùng với việc phổ biến quán triệt pháp luật về trật tự ATGT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong đơn vị, đơn vị cũng quan tâm phổ biến tuyên truyền cho người học, người dự sát hạch lái xe thông qua các môn học pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, trong quá trình học thực hành lái xe, quá trình thi tốt nghiệp và sát hạch dưới nhiều hình thức.
Ngoài Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, thời gian này, lực lượng Thanh tra Giao thông Hà Tĩnh, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cũng tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ quản lý, giáo viên và các học viên đang theo học các lớp đào tạo, sát hạch GPLX.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), ý thức của người tham gia giao thông cần được xây dựng ngay từ khi họ bắt đầu học bằng lái. Vậy nên, bên cạnh việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng về lái xe, học viên rất cần được trau dồi ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng, hướng tới xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh. Có như vậy mới có thể kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Năm ATGT 2024, tiếp tục thực hiện chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” với mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh và nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng, triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ văn hóa.
Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, tình hình TNGT 9 tháng qua vẫn còn diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người chết và bị thương. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 321 vụ TNGT, làm chết 170 người, bị thương 202 người; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 67 vụ, tăng 23 người chết, tăng 47 người bị thương.
Theo ông Nguyễn Văn Tân - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, qua quá trình điều tra của cơ quan công an và các đơn vị chức năng liên quan, có tới 80% số vụ TNGT xảy ra ở Hà Tĩnh mà người gây ra TNGT hoặc có một phần lỗi dẫn tới TNGT là người sinh sống trên địa bàn tỉnh. Để kiềm chế, kéo giảm TNGT, cùng với việc lực lượng chức năng huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ông Nguyễn Văn Tân nhìn nhận, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình, địa bàn dân cư, địa bàn trọng điểm phức tạp về ATGT, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, lái xe đường dài...
“Tuyên truyền về ATGT trước hết phải dễ hiểu, dễ nhớ, sát với người dân. Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể về nội dung, sinh động, hấp dẫn, trong đó, các đơn vị, địa phương có thể tận dụng, phát huy thế mạnh từ mạng xã hội để việc tuyên truyền đạt hiệu quả đề ra" - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh.