Hà Tĩnh quyết liệt phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cạn và cây ăn quả

(Baohatinh.vn) - Tăng cường phòng trừ bệnh đạo ôn đang có chiều hướng gia tăng trên lúa xuân; ra quân diệt chuột; phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây trồng cạn và cây ăn quả là những vấn đề nổi bật tại hội nghị bổ cứu sản xuất do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chủ trì vào chiều 28/2.

Đến ngày 27/2, diện tích lúa xuân nhiễm đạo ôn trên lá tại Hà Tĩnh là 141 ha. Trong đó, có hơn 3,2 ha nhiễm nặng. Bệnh gây hại chủ yếu trên các giống P6, Xi23, NX30, XT28, VTNA2, VTNA6, HT1, phân bố nặng nhất lại Đức Thọ (70 ha); Cẩm Xuyên (50 ha); Nghi Xuân (9 ha).

Điều đáng lo ngại, thời tiết tiết Vũ thủy - Kinh trập với hình thái ấm ẩm, sương mù kết hợp với cây đang thời kỳ đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá tạo điều kiện cho bệnh tiếp tục phát sinh và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân Lê Anh Đức: Hiện nay, nhiều chân ruộng đã nứt chân chim, nếu thời gian tới trời không mưa thì hàng nghìn ha lúa xuân ở Nghi Xuân sẽ bị đe dọa bởi hiện tượng "nghẽn đòng"

Cùng với đó, lúa xuân đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều loại sâu bệnh đáng lo ngại như: chuột và hiện tượng vàng lá, khô đầu lá. Năm nay, chuột gây hại từ đầu vụ và xảy ra ở hầu khắp các địa phương. Tỷ lệ trung bình gây hại khoảng 3-5%, nơi cao 20%.

Hiện tượng vàng lá, khô đầu lá đang xảy ra trên giống VTNA2 gieo cấy tại một số xã Ích Hậu, Hồng Lộc, Bình Lộc, Tân Lộc (Lộc Hà); Thạch Văn, Thạch Lạc (Thạch Hà); Cẩm Nam (Cẩm Xuyên).

Trên cây lạc, cây ăn quả cũng bắt đầu xuất hiện một số dịch bệnh gây hại như: nhóm bệnh héo rũ gốc mốc trắng, mốc đen trên lạc; sâu vò vẽ, rệp muội trên cam, bưởi.

Ông Phan Văn Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục QLCL nông lâm thủy sản: Các địa phương cần rà soát lại toàn bộ các cơ sở kinh doanh VTNN nhằm đảm bảo cung ứng thuốc BVTV chất lượng cho bà con nhân dân

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, năm nay bệnh đạo ôn phát sinh sớm, tuy nhiên, công tác triển khai phòng trừ ở nhiều địa phương còn hạn chế. Do vậy, người dân thiếu thông tin khiến cho nhiều diện tích có biểu hiện cháy lụi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Quan điểm chống dịch sớm và không giấu dịch

Các cơ quan kỹ thuật của Sở NN&PTNT và đại diện các địa phương đã đưa ra các giải pháp bức thiết để xử lý dứt điểm diện tích nhiễm bệnh đạo ôn. Theo đó, tổ chức phun phòng trừ theo khuyến cáo. Đề nghị toàn ngành nông nghiệp vào cuộc quyết liệt từ đầu vụ, nâng cao công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo và xử lý dứt điểm đúng từng thời điểm phát sinh của bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng, đảm bảo quản lý đầu vào vật tư nông nghiệp một cách chặt chẽ, nghiêm túc.

Thường xuyên theo dõi sinh trưởng của lúa để có bổ cứu kịp thời, đồng thời chủ động công tác phòng trừ sâu bệnh

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân cũng trình bày đề án nuôi trồng thủy sản năm 2019 theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân: Năm 2019 phải xác định điểm tăng trưởng của nuôi trồng thủy sản, trong đó cần chú trọng ứng dụng KHKT vào nuôi trồng

Theo đó, mục tiêu đặt ra là diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 7.463 ha với sản lượng ước đạt trên 14.800 tấn; sản xuất và ương dưỡng giống đạt trên 745 triệu con, trong đó 700 triệu con tôm và 45 triệu con giống cá nước ngọt.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói