Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX tổ chức hội nghị lần thứ 25.
Chiều 30/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX tổ chức hội nghị lần thứ 25 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023 và cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện các ban Đảng và Văn phòng Trung ương; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. |
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Ước đạt và vượt 19/26 chỉ tiêu năm 2022
Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo các nội dung tại hội nghị.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội giữ xu hướng phục hồi và phát triển.
Toàn tỉnh đã thực hiện ước đạt và vượt kế hoạch 19/26 chỉ tiêu; 6/26 chỉ tiêu ước không đạt theo kế hoạch và 1 chỉ tiêu chưa hoàn thành điều tra tại thời điểm báo cáo (tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện).
Đại diện các ban Đảng và Văn phòng Trung ương dự hội nghị.
Các chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch gồm: thu nhập bình quân đầu người đạt 45,08 triệu đồng/năm (kế hoạch hơn 39 triệu đồng/năm); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha (kế hoạch trên 96 triệu đồng/ha); thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.900 tỷ đồng (kế hoạch 16.300 tỷ đồng); thành lập mới trên 1.300 doanh nghiệp (kế hoạch là 1.000 doanh nghiệp); có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM (tăng 3 xã so với kế hoạch), 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt kế hoạch), 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 2 xã so với kế hoạch), 11 huyện đạt chuẩn NTM (đạt kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 0,89% (kế hoach 0,6-1% theo chuẩn mới); 93,8% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa (kế hoạch 92,2%); 98% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (kế hoạch 95,5%)…
Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy dự hội nghị.
Các chỉ tiêu ước không đạt gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khoảng 4%; GRDP bình quân đầu người đạt 68,3 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 40.124 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD; tỷ lệ chất thải rắn được phân loại, thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đạt 87%; 83,8% dân số đô thị sử dụng nước sạch.
Hà Tĩnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam được tập trung chỉ đạo, bàn giao mặt bằng vượt yêu cầu tiến độ. Thu hút đầu tư tiếp tục có những tín hiệu tích cực, kết nối, thu hút được những tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược.
Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Phan Tấn Linh đề xuất giải pháp liên quan đến thu hút đầu tư, phương thức lãnh đạo, điều hành nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến; giáo dục đạt nhiều thành tích; an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Công tác phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 được tập trung chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Các hoạt động đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào được đẩy mạnh, tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Việt Hà trao đổi một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Năm 2023, tỉnh dự kiến xây dựng 29 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7-8%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 69 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Kỳ Anh đạt chuẩn NTM, thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,6-0,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; 93,8% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 98% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; trên 90% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện...
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Trọng cho ý kiến về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2023.
Cũng tại hội nghị, đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2023; báo cáo xin chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Các địa phương, đơn vị cần quyết tâm cao hơn, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tạo môi trường thuận lợi thu hút, kêu gọi đầu tư; tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc Bắc Nam...
Đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, cần xây dựng trên cơ sở bám sát thực tế địa phương và kết quả năm 2022.
Tại hội nghị, đại biểu đánh giá, phân tích nguyên nhân các chỉ tiêu ước không đạt trong năm 2022; đồng thời đề xuất các giải pháp trọng tâm tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đại biểu cũng cho ý kiến đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2023...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng thông qua tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Tập trung cao thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, hệ thống chính trị tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các nghị quyết chuyên đề của tỉnh trên các lĩnh vực.
Tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc bàn giao mặt bằng đường bộ cao tốc phần còn lại. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã, đang triển khai; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường kêu gọi và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Tập trung xây dựng NTM, đô thị văn minh...
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận hội nghị.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện Đề án văn hóa Hà Tĩnh để triển khai thực hiện, tập trung tôn tạo các khu di tích văn hóa; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, phòng chống tệ nạn học đường, bạo lực học đường; quan tâm công tác an sinh xã hội; chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức… Đồng thời, tăng cường đối thoại với Nhân dân; giải quyết kịp thời kiến nghị sau đối thoại, đơn thư, khiếu kiện. Chỉ đạo tổ chức tốt diễn tập phòng thủ các cấp năm 2023.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản thống nhất tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023; bổ sung vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán kế hoạch năm 2023. Đồng thời, yêu cầu việc thực hiện bổ sung các nguồn vốn phải đảm bảo căn cứ các tiêu chí cụ thể, hiệu quả thiết thực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài. Việc phân bổ dự toán ngân sách đảm bảo quy định, căn cứ thực tiễn.