Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp khắc phục hiệu quả sự cố môi trường

(Baohatinh.vn) - Khép lại chương trình công tác tại Hà Tĩnh, chiều 1/8, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển.

>> Đề nghị Formosa thực hiện tốt cam kết khắc phục ô nhiễm môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng: Đề nghị tỉnh sớm có các biện pháp xử lý đối với rác thải thông thường và xỉ tro tại dự án Formosa

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dương Tất Thắng, Đặng Ngọc Sơn; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, sở, ngành, địa phương liên quan làm việc với đoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm, công tác khắc phục sản xuất, hỗ trợ ngư dân và tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về môi trường.

Sự cố môi trường biển do hoạt động xả thải trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, tình hình sản xuất, phát triển KT-XH... trên địa bàn các địa phương ven biển Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung.

Tại Hà Tĩnh, sự cố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 13.000 lao động đánh bắt, 4.050 lao động nuôi trồng thủy sản, trên 1.100 lao động trực tiếp, hơn 1.500 lao động gián tiếp phục vụ khách du lịch.

Giám đốcSởTN&MT Võ Tá Đinh giải trình một số chất vấn của các đại biểu.

Sau khi xảy ra sự cố môi trường, cùng với việc tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ ngư dân, tỉnh đã chỉ đạo lắp đặt trung tâm điều hành trạm quan trắc tự động; yêu cầu công ty sớm bổ sung các thông số quan trắc để đảm bảo theo quy chuẩn, lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải và kết nối dữ liệu về Sở KH&CN để theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã thống nhất lắp đặt trạm quan trắc tự động độc lập tại Khu kinh tế với diện tích 6.000m2 để quan trắc nước thải của công ty, nước biển ven bờ, không khí…

Về phía Bộ TN&MT, đã thành lập tổ giám sát phối hợp tiến hành giám sát, hướng dẫn Formosa khắc phục sự cố.

Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh: Hà Tĩnh cần có đánh giá cụ thể hơn về mực độ thiệt hại của người dân sau sự cố môi trường.

Về hiện trạng các công trình xử lý chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng, hiện đã hoàn thành việc lập dự án đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung với số vốn 329 tỷ đồng. Riêng Formosa, Bộ TN&MT đã cấp giấy phép xả nước thải với thời hạn 10 năm; tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 12.881 tấn/năm, trong đó, chất thải rắn nguy hại được các doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện vận chuyển theo đúng quy định.

Sau khi phát hiện Công ty TNHH MTV Xây dựng và Quản lý Môi trường đô thị Kỳ Anh vận chuyển bùn thải từ Formosa và đổ thải không đúng quy định, UBND tỉnh đã yêu cầu thị xã Kỳ Anh và công ty thu gom toàn bộ khối lượng bùn thải (ước tính 391 tấn) lưu giữ tại nhà máy của công ty...

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Tỉnh mong muốn Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội vừa giám sát, kiểm tra, và giúp đỡ địa phương quản lý tốt hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định, ngay sau khi phát hiện cá chết, Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân khắc phục sản xuất ổn định đời sống. Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tàu cá cho các ngư dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ thu mua muối; chủ động đề xuất phương án bồi thường…

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, dự án Formosa đã góp phần giúp thị xã Kỳ Anh cũng như tỉnh có bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự cố ô nhiễm môi trường đã gây hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương và khu vực.

Đối với Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, đã vi phạm trong xử lý chất thải công nghiệp và chôn lấp không đúng quy định. Hiện địa phương đang chờ kết quả phân tích của Bộ TN&MT để xử lý vi phạm.

Sau sự cố, các bộ, ban, ngành đã vào cuộc quyết liệt trên tinh thần khẩn trương, khách quan, minh bạch để Formosa nhận lỗi trước nhân dân, Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Hà Tĩnh đã cơ bản ổn định tình hình, tuy nhiên, thời gian tới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả của sự cố.

Tỉnh mong muốn, đoàn công tác kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, giúp đỡ địa phương giải quyết các vấn đề liên quan, đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ, không để Formosa tái phạm.

Đề nghị Bộ TN&MT sớm tiếp tục công bố các chỉ số liên quan; hướng dẫn cụ thể về vùng đánh bắt an toàn để địa phương chỉ đạo sản xuất nhằm sớm khôi phục sản xuất; có các quy định, quy trình giám sát để tổ chức thực hiện; lắp đặt hệ thống quan trắc độc lập để thực hiện giám sát công tác bảo vệ môi trường của Formosa.

"KKT Vũng Áng không chỉ tác động đến Hà Tĩnh mà là khu động lực phát triển của khu vực và cả nước, do đó, Hà Tĩnh mong muốn các địa phương cùng chia sẻ, phối hợp thực hiện khắc phục môi trường" - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Formosa là dự án lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sự cố môi trường xảy ra đã gây hậu quả lớn.

Đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, tích cực hỗ trợ ngư dân của tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cũng đề nghị tỉnh sớm có các biện pháp xử lý đối với rác thải thông thường và xỉ tro tại dự án Formosa; phối hợp giám sát các hoạt động khắc phục môi trường của DN này trong việc thực hiện các cam kết với Chính phủ Việt Nam.

Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất của địa phương đến các bộ, ngành trung ương và Quốc hội.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói