Hai nữ kỹ sư trẻ biến đồi hoang thành “đất thơ” ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khoảnh rừng rộng hơn 1ha ở thôn Đông Xuân, xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vốn um tùm cây bụi, cỏ dại từ bao đời nay, thế mà hơn 1 năm nay đã bừng lên sức sống bởi màu xanh của rau củ, tươi tắn của hoa trái bốn mùa. Không những thế, nơi đây còn nuôi gà, thả cá... tạo nên nông trại xanh mang tên “Nàng thơ của đất”

Gặp nhau ở đam mê “sống xanh, sống tử tế” và triết lý “quay về với mẹ thiên nhiên”, 2 nữ kỹ sư trẻ tuổi là Trần Thị Hằng (SN 1993) sinh ra ở TP Hà Tĩnh đã gặp gỡ Nguyễn Thị Ngà (SN 1995) ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Cả 2 là kỹ sư đã tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Biển chỉ dẫn vào nông trại "Nàng thơ của đất")

Tốt nghiệp đại học, dẫu đã có những công việc khá ổn định tại các thành phố lớn, nhưng niềm đam mê cháy bỏng về việc hình thành cộng đồng nông nghiệp sạch đã thôi thúc 2 bạn trẻ rong ruổi khắp các cung đường Hà Tĩnh để tìm “bãi đỗ” phù hợp nuôi dưỡng ước mơ của mình. (Ảnh: Kỹ sư Nguyễn Thị Ngà (áo xanh) và Trần Thị Hằng (áo vàng) đang chăm sóc vườn rau)

Kỹ sư Trần Thị Hằng bộc bạch: “Chúng tôi quen nhau qua mạng từ câu lạc bộ “Cuộc cách mạng một cọng rơm” - một CLB dành cho những ai khát khao “gieo những hạt mầm trên sa mạc”. Sau thời gian dài chuyện trò, tháng 8/2018, chúng tôi gặp nhau và mất hơn 1 tháng trời để đi các huyện trong toàn tỉnh tìm hỏi địa điểm có thể thuê đất”.

Đi rất nhiều nơi và cuối cùng 2 bạn trẻ chọn thuê mảnh đất ở thôn Đông Xuân để xây dựng “Nàng thơ của đất”. Đây là khoảnh đất vừa gần đường lớn, nhưng cũng khá cách ly với thế giới bên ngoài bởi những hàng cây tràm cao che chắn. (Ảnh: Một góc trang trí đơn giản, gần gũi tại nông trại)

Khi trở về đây, cả khu vực này là cây bụi, đường sá cũng chưa có nên không thể thuê máy vào làm mà 2 cô gái nhỏ chỉ có thể bỏ sức người ra “gỡ” từng chút một. Sau khi dọn dẹp vườn tược, họ xây dựng nhà, kết nối hệ thống điện, khoan giếng nước. (Ảnh: Khu bếp giản dị do chính tay 2 cô gái tự đắp)

Tiếp đến, họ thu gom vật liệu hữu cơ như rơm rạ, bèo tây, trấu, phân chuồng... và chia luống để chuẩn bị gieo giống trồng cây. Các kỹ sư trẻ còn trồng chuối để lấy sinh khối làm thức ăn chăn nuôi gà.

Tất cả nông sản được sản xuất ở “Nàng thơ của đất” đều được trồng theo hướng “thuận tự nhiên”, tuyệt đối nói không với chất hóa học. Từ những vốn kiến thức đã học, Hằng và Ngà tự chiết xuất các loại nước rửa tay sinh học, chế phẩm sinh học phun trừ sâu bọ cho cây... hay dùng các ống nhựa để bắt côn trùng gây hại. Thậm chí, ban đêm cả 2 bạn thắp sáng bóng điện bắt sâu, côn trùng bằng tay. (Ảnh: Chế phẩm trừ sâu bọ chiết xuất từ thiên nhiên)

Theo mùa vụ, hai bạn trẻ lựa chọn đủ các giống rau củ quả để trồng tại nông trại của mình. Từ mướp đắng, su hào, bắp cải, đậu cô-ve đến cả các loại rau ít được trồng ở Hà Tĩnh như măng tây, đậu bắp, củ cải đỏ... cũng bén duyên với “Nàng thơ của đất”.

Không những thế, hai cô gái còn trồng cây a-ti-sô, lạc tiên, sâm dứa, sachi ichi, bồ công anh, mướp đắng rừng, cam thảo đất... để sản xuất trà thảo mộc và siro từ hoa quả, trái cây trong vườn.

Nông trại còn chăn nuôi một đàn gà hơn 50 con để bán gà trứng và gà thịt. Theo chủ nông trại, gà được nuôi thả, không sử dụng kháng sinh và cám công nghiệp. Thức ăn chủ yếu là rau xanh, thóc mọc mầm, cám gạo để đảm bảo an toàn nhất.

Với những ý tưởng sáng tạo không ngừng, Hằng và Ngà còn tự tay đóng từng bộ bàn ghế, sạp nhằm tạo nên những không gian nên thơ tại nông trại để tiếp đón du khách đến trải nghiệm.

Hơn 1 năm đi vào hoạt động, hiện khu vườn đã mang lại những nguồn thu nhập nhỏ để hai bạn trẻ xoay vòng vốn. Kỹ sư Nguyễn Thị Ngà bộc bạch: “Ban đầu khi chúng tôi chọn hướng đi này vấp phải sự phản đối khá quyết liệt từ gia đình, người thân. Thế nhưng, những kết quả có được ngày hôm nay đã dần thuyết phục được mọi người”. (Ảnh: Góc vườn ươm mini tại nông trại)

Với phương châm xây dựng “khu vườn làm nông tử tế và cam kết canh tác bền vừng không hóa chất”, hiện “Nàng thơ của đất” đã nhận được các đơn đặt hàng nông sản sạch từ nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Kỹ sư Nguyễn Thị Ngà kiểm tra các bẫy côn trùng, sâu bệnh)

Chia sẻ về mục tiêu thời gian tới, 2 nữ kỹ sư trẻ cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, xúc tiến các thủ tục và điều kiện cần thiết để phát triển nơi đây trở thành nông trại tham quan du lịch, trải nghiệm. Và hơn hết vẫn là lan tỏa tinh thần sống xanh, bảo vệ thiên nhiên, yêu môi trường qua đó góp phần hình thành cộng đồng nông nghiệp tử tế tại Hà Tĩnh”.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói