“Hồ sơ Facebook” - khủng hoảng lớn nhất của mạng xã hội

Facebook từng bị nhân viên tố cáo, gặp khủng hoảng truyền thông và phải ra điều trần. Còn giờ, họ phải đối mặt với cả ba vấn đề cùng lúc.

Cuối tuần qua, 17 báo lớn của Mỹ đồng loạt xuất bản các câu chuyện trích ra từ hàng nghìn trang tài liệu nội bộ mà Frances Haugen cung cấp. Những tài liệu này được gọi chung là Hồ sơ Facebook.

Niềm tin suy giảm nghiêm trọng và tương lai bất định sau bê bối liên quan đến cựu quản lý được giới phân tích đánh giá là khủng hoảng khốc liệt và có quy mô lớn nhất trong 17 năm qua của Facebook.

Rắc rối bắt đầu từ giữa tháng 9 khi Haugen chia sẻ nghiên cứu của Facebook với WSJ, cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới biết rõ tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ giới, nhưng vẫn phớt lờ để kiếm lời. Sau đó, hàng trăm tài liệu khác được trình lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) với nội dung liên quan đến các nhóm kích động bạo lực trong vụ bạo loạn đồi Capitol ngày 6/1, việc kiểm duyệt nội dung ở một số quốc gia không nói tiếng Anh, hay cách những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch...

Niềm tin suy giảm nghiêm trọng và tương lai bất định sau bê bối liên quan đến cựu quản lý được giới phân tích đánh giá là khủng hoảng khốc liệt và có quy mô lớn nhất trong 17 năm qua của Facebook .

Frances Haugen trong chương trình 60 Minutes về vấn đề của Facebook đầu tháng 10. Ảnh: CBS News

Ngày 5/10, Haugen điều trần trước Quốc hội Mỹ và khẳng định: “Các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ Mỹ”.

Những rắc rối của Facebook vẫn chưa dừng lại. Tiểu ban Thượng viện Mỹ kêu gọi CEO Mark Zuckerberg ra làm chứng. Đến 13/10, một cựu nhân viên khác là Sophie Zhang nói sẵn sàng điều trần về mạng xã hội, thậm chí cho biết bà cảm thấy như “bàn tay dính máu” khi làm việc ở Facebook. Tuần trước, thêm một nhân viên cũ tố Facebook hai mặt và thường có sự khác biệt giữa các tuyên bố công khai trên truyền thông và việc ra quyết định nội bộ.

Truyền thông Mỹ cho biết, kho tài liệu khổng lồ và các góc khuất ở Facebook sẽ còn được tiết lộ thêm. Mối quan tâm của công chúng tập trung vào hầu hết lĩnh vực hoạt động của công ty như: Cách tiếp cận và ngăn chặn thông tin sai lệch, gây thù hận; Việc bảo vệ người dùng trẻ trên các nền tảng; Cách quản lý sự phát triển ở thị trường quốc tế và khả năng đo lường chính xác về quy mô người dùng khổng lồ của công ty.

Tất cả đặt ra một câu hỏi rằng Mark Zuckerberg và Facebook có thực sự đủ khả năng điều chỉnh những tác hại thực tế từ nền tảng của mình.

Facebook cố "dìm" khủng hoảng

Thay vì tìm cách xử lý các vấn đề khiến người dùng lo ngại, Facebook lại chĩa mũi dùi vào cựu nhân viên, cố hạ uy tín của Haugen và tuyên bố những lời khai, báo cáo của bà về tài liệu nội bộ của Facebook đã bị bóp méo.

John Pinette, Phó chủ tịch Truyền thông của Facebok, cho rằng những tài liệu được tiết lộ chỉ là một phần nhỏ trong hàng triệu nghiên cứu của công ty. “Phần chìm chưa được công khai liệu có thể đưa ra kết luận công bằng về chúng tôi”, Pinette nói. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ cũng đặt câu hỏi: Nếu có nhiều tài liệu hơn để “minh oan” cho mình, tại sao Facebook không công bố chúng?

Đổi lại, Facebook được cho là đang lên kế hoạch đổi thương hiệu nhằm chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi những bê bối. Động thái này được đánh giá là nỗ lực rõ ràng nhất để lật ngược tình thế. Nhưng “chiếc áo mới” không chắc che đậy được những vấn đề tồn tại lâu năm đang bị phơi bày trước công chúng.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng được cựu nhân viên tiết lộ là báo cáo nội bộ của công ty về một tập đoàn ma tuý ở Mexico sử dụng nền tảng để đăng các nội dung bạo lực, tuyển dụng thành viên mới bằng cách sử dụng các từ khóa. Facebook biết rõ nhưng vẫn làm ngơ và không thêm nó vào danh sách nội dung cần bị xoá.

Mạng xã hội nói rằng họ đang đầu tư vào AI để tăng cường giám sát và ngăn các hội nhóm tương tự. Tuy nhiên, CNN cho biết, bất chấp cảnh báo của truyền thông và lời hứa từ Facebook, những nội dung đáng lo ngại liên quan đến súng, video bạo lực vẫn xuất hiện liên tục trên các nền tảng của công ty.

Cựu nhân viên Haugen cho biết, việc Facebook không thể khắc phục những vấn đề như vậy một phần do họ ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích xã hội. Trong một số trường hợp, công ty thiếu khả năng kiểm soát nhiều sự kiện cùng lúc. “Nhân sự của Facebook trong việc kiểm duyệt nội dung cực kỳ mỏng. Họ không sẵn sàng làm những việc này cũng như nhận trách nhiệm”, Haugen nói.

Ngược lại, phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Chúng tôi đã xoá hơn 150 tổ chức tìm cách thao túng cuộc tranh luận công khai kể từ 2017, phạm vi hoạt động trải dài trên 50 quốc gia”. Tuy nhiên, tài liệu cho thấy công ty còn nhiều việc phải làm để loại bỏ tất cả tác hại được chỉ ra và giải quyết những hậu quả không mong muốn.

Tương lai bất định

Theo CNN , lòng tin của công chúng dành cho Facebook đang giảm rất nhanh. Nghiêm trọng hơn, nó đã ảnh hưởng đến cả nhân viên công ty và các cơ quan chức năng.

Một số tài liệu cho thấy mối quan tâm ngày một lớn của nhân viên Facebook về những lựa chọn của công ty. Một bài đăng cuối năm 2020 trên web nội bộ về vấn đề liêm chính cho thấy lòng tin của nhân viên vào khả năng lãnh đạo của Facebook đã giảm trên phạm vi toàn công ty. Facebook còn khiến nhiều người bất bình khi để lộ việc ưu tiên người dùng nổi tiếng, bảo vệ người dùng VIP khỏi các quy tắc kiểm duyệt nội dung thông thường trên các nền tảng.

Haugen khẳng định bà không nhắm đến việc đóng cửa công ty. Trong lời khai trước Thượng viện, bàliên tục nói với các nhà lập pháp rằng bà ở đây vì niềm tin vào tương lai tốt đẹp của Facebook nếu họ có thể giải quyết những vấn đề tồn tại. Haugen thậm chí tuyên bố sẵn sàng quay lại cống hiến cho Facebook nếu có dịp phù hợp.

“Điều thú vị nhất mà tôi phát hiện ra khi đọc những tài liệu này là Facebook phi thường như thế nào. Họ có hàng nghìn, hàng nghìn Frances Haugens đang cố gắng giúp Facebook an toàn, hữu ích hơn”, Lawrence Lessig, Giáo sư Trường Luật Harvard kiêm cố vấn pháp lý chiến lược cho Haugen, nói với CNN .

Theo các chuyên gia, tương lai của Facebook còn tuỳ thuộc vào việc họ sẽ thay đổi thế nào sau những tiết lộ của các cựu nhân viên, như họ sẽ đồng ý hợp tác minh bạch như các cơ quan quản lý và cộng đồng kêu gọi, hay lại tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường dưới một cái tên mới.

Theo CNN/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói