Đã 62 năm đi qua nhưng hôm nay, trở lại chiến trường xưa, cả núi rừng Tây Bắc lại dào lên bài ca Hò kéo pháo và từng ánh mắt, từng làn môi lại bừng lên giai điệu Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi...
Cụm tượng đài kéo pháo bằng tay ở xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nguồn internet |
Cách đây một tháng, tôi tìm đến nhạc sĩ Hoàng Vân tại căn gác nhỏ số 14 Hàng Thùng, Hà Nội. Người nhạc sĩ vẫn giọng nói sang sảng, trầm hùng, như khí phách người chiến sĩ Điện Biên xung trận năm xưa. Không ai có thể ngờ, dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, song nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn khỏe, tâm hồn vẫn trẻ và trí nhớ mẫn tiệp. Giữa nhịp sống cuồn cuộn, ồn ả của Thủ đô Hà Nội thời công nghiệp mới nhưng lòng chúng tôi vẫn lặng đi khi nghe ông kể lại một thời “Điện Biên gian lao và anh dũng”.
Ông cảm tạ đồng đội, cảm tạ nhân dân, cảm tạ thời đại đã tạo nên “cái nôi âm nhạc” cho Hoàng Vân trưởng thành. Ca khúc nổi tiếng Hò kéo pháo như đang sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc đầy tự hào và tươi rói. Trong tâm trí ông, chiến dịch Điện Biên Phủ như mới diễn ra ngày hôm qua. Ông kể rất mạch lạc về ngày mở màn chiến dịch, về những ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” và cả những kỷ niệm với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vị Tổng chỉ huy vĩ đại làm nên một chiến thắng khiến cả thế giới sửng sốt và kinh ngạc.
Chiến dịch Trần Đình, mật danh thời bấy giờ của chiến dịch Điện Biên Phủ, mở màn với trận đánh vào cứ điểm Him Lam ở phía Đông Bắc của lòng chảo Mường Thanh. Hoàng Vân, chàng trai gốc Hà Nội, tuổi vừa đôi mươi đã có mặt trong suốt chiến dịch này. Được “biên chế” ở Sư đoàn 312, Hoàng Vân nhận nhiệm vụ đến mặt trận quan sát để dẫn các tốp văn nghệ xung kích tới từng chiến hào phục vụ bộ đội.
Khi đại quân ta bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các tác phẩm của Đỗ Nhuận như Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, những người lính đã truyền cảm thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu, đó là Hò kéo pháo của Hoàng Vân. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi…. Điệu hò đặc biệt đó chỉ có thể xuất hiện trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Ca khúc đã được 2 ca sĩ của Sư đoàn là Kim Ngọc và Thanh Phúc thể hiện tại Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngân lên khắp chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát được trao giải nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Hoàng Vân cũng được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự: “Cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ phải được thực tế sinh động của cuộc sống nhào nặn nên. Nếu không được nhìn những chiến sĩ gồng mình và bầm tay cầm dây kéo pháo, mồ hôi chảy ra ướt đầm vai áo, tôi làm sao có bài hát ấy được”.
Ca khúc Hò kéo pháo chính là bước khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Vân. Nhưng có lẽ với ông, sâu đậm nhất vẫn là hồi ức về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Để trả nghĩa cho mảnh đất oai hùng ấy, đại hợp xướng Bài ca Điện Biên Phủ gồm 4 phần: Trên chiến trường không bao giờ quên, Đọc thư hậu phương, Lá cờ của Bác và Bài hát của các chiến sĩ trẻ, ra đời sau gần 15 năm Hoàng Vân “quên ăn, quên ngủ” để rồi con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng dàn nhạc giao hưởng thể hiện hợp xướng này tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giúp ông nhớ về ký ức đẹp đẽ ấy bằng âm thanh khi chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa qua nửa thế kỷ.
Bất kể những năm tháng rực lửa chiến tranh hay thời điểm đất nước thanh bình, Hoàng Vân đều có những ca khúc đi vào lòng người, như Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Trên đường tiếp vận, Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng, Chào mùa Xuân đại thắng - chào anh giải phóng quân... Đến những ca khúc thiếu nhi thật trong trẻo như: Mùa hoa phượng đỏ, Con chim vành khuyên…
Ngay trong ngày đạn bom ác liệt, âm nhạc Hoàng Vân vẫn vượt lên, hòa nhập thế giới bằng những tư duy rất “rock” trong Bài ca trên đường xa hay rất hùng tráng trong Người chiến sỹ ấy. Rồi một Hoàng Vân hành trình không nghỉ qua những sáng tạo trong thời bình như: Bài ca xây dựng, Tình ca Tây Nguyên… tràn đầy hơi thở nhạc nhẹ như: “Tuổi trẻ đi xa”…
Dầu tuổi cao, ít ai có thể tránh khỏi bệnh tật, với Hoàng Vân cũng vậy, nhưng nhạc sĩ vẫn duy trì khả năng làm việc nhờ những môn thể thao nhẹ nhàng hơn quần vợt - môn thể thao theo ông suốt mấy chục năm qua, là đi bộ và bơi. Dầu có khả năng thiên phú nhưng ông cho rằng, sự thành đạt của ông có phần không nhỏ cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ ông trong mọi hoàn cảnh đó chính là người vợ, người bạn đời chung thủy. Nhạc sĩ có một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. Vợ ông là tiến sĩ y khoa, năm nay đã 81 tuổi, nhưng vẫn hăng hái làm việc thiện; 2 người con đều thành đạt trong lĩnh vực âm nhạc trong và ngoài nước.
Từ khúc ca Hò kéo pháo, đến hàng loạt ca khúc trong chiến tranh và sau ngày đất nước hòa bình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở thành một vì sao tinh tú trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông thực sự là một chiến sĩ cách mạng, một người cộng sản lớn cả về trí tuệ và nhân cách. Ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 cùng nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý khác.