>> Tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh đồng loạt đóng quầy bãi thương
>> Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp thấu đáo, tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh hài lòng, phấn khởi
Trước cửa chính chợ có vẻ bình thường...
Ghi nhận của phóng viên Báo Hà Tĩnh điện tử trong chiều 3/3, đã có 372 hộ kinh doanh tại tầng 1 và 350 hộ kinh doanh tại tầng 2 đình chợ thành phố Hà Tĩnh (thuộc khu vực bán hàng quần áo, giày dép, vải, văn phòng phẩm…) đồng loạt nghỉ bán nhằm gây sức ép để ký hợp đồng lâu dài về việc thuê ki-ốt. Riêng các ki-ốt xung quanh chợ và đình bán thực phẩm vẫn hoạt động bình thường.
Video ghi lại cảnh đình chợ chiều nay:
Được biết, ngày 3/1/2017, UBND thành phố Hà Tĩnh đã hoàn chỉnh hợp đồng thuê quầy, ki-ốt, điểm kinh doanh tại chợ gửi về BQL chợ thành phố Hà Tĩnh để triển khai. Ngày 2/3, BQL chợ tiến hành họp tiểu thương lấy ý kiến trước khi ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, một số tiểu thương không đồng tình với nội dung trong thông báo: "Thời hạn cho thuê ốt đến khi phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ thành phố được xây dựng theo đúng quy trình và được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt”, mà yêu cầu có một mốc thời gian cụ thể.
... nhưng bên trong, các gian hàng đã nghỉ bán
Nắm bắt được thông tin, nguyện vọng của tiểu thương, trưa nay (3/3), tại Nhà văn hóa thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với bà con và đi đến kết luận sẽ giao cơ quan chuyên môn xác định lại mức độ an toàn, giá trị sử dụng còn lại của chợ, qua đó, lấy căn cứ xác định thời gian ký hợp đồng tiếp theo cũng như thời gian sẽ thực hiện phương án chuyển đổi cụ thể để tiểu thương yên tâm.
Tuy nhiên, thay vì tiếp tục kinh doanh buôn bán, chờ chính quyền xác định lại giá trị còn lại của chợ để đưa ra thời hạn ký hợp đồng tiếp theo thì bà con lại nghi ngại, nóng lòng, đóng cửa gây áp lực.
Một số tiểu thương cho biết là "không phản đối việc chuyển đổi mô hình chợ, nhưng khi gia hạn hợp đồng thì phải có thời gian cụ thể để biết chứ không thể ghi chung chung. Cần có ngay văn bản là sẽ cho ký tiếp đến năm nào thì mới yên tâm buôn bán trở lại".
Ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng ban quản lý Chợ thành phố Hà Tĩnh cho biết: Toàn chợ có 645 hộ đã hết thời hạn kinh doanh, trong đó có 372 ki-ốt ở tầng 1, còn 350 ki-ốt ở tầng 2 thì không ảnh hưởng đến nhưng họ vẫn đóng cửa.
"Chúng tôi đã vận động bà con quay trở lại buôn bán bình thường, bởi lộ trình kế hoạch đã rõ; để ra một văn bản cơ quan chức năng cần có thời gian. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn phải kiểm tra, xác định mức độ an toàn, giá trị sử dụng, thời gian sử dụng còn lại của công trình mới có thể có thời gian chính xác. Mọi việc không thể có ngay trong ngày một ngày hai. Tuần tới, ngành chức năng sẽ bắt tay vào đánh giá và các bước tiếp theo sẽ được thực hiện một cách sơm nhất, rõ ràng nhất. Lộ trình đã rõ, bà con nên ổn định kinh doanh trở lại để khỏi thiệt hại cho mình", ông Hòa chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 29/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã có buổi đối thoại với các tiểu thương, đồng ý việc các hộ kinh doanh sẽ ký hợp đồng thuê ki-ốt lâu dài cho đến khi UBND thành phố Hà Tĩnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ.