Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021

Chiều 3/6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 trong bối cảnh chúng ta vừa tổ chức thành công cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5), đồng thời trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tại Phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận các nội dung: Báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Các nội dung này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị rất kỹ càng, công phu từ khâu chuẩn bị tài liệu, báo cáo, tờ trình. Các thành viên Chính phủ thảo luận rất trách nhiệm, sâu sắc và thẳng thắn, đúng như phát biểu tại khai mạc phiên họp của Thủ tướng là: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thật.

Không nói thiếu nguồn lực chống dịch COVID-19

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, về tổng thể chúng ta đã kiểm soát được tình hình, mặc dù cục bộ có một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM.

Tuy nhiên, virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khả năng còn có các ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Từ nhận định tình hình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch. Tiếp tục nêu cao tinh thần “ chống dịch như chống giặc ”, lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thực hiện nghiêm túc phương châm “5K + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine (bao gồm mua vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, tổ chức tiêm). Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là đột phá; phòng ngự là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 3 KHÔNG là: Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm.

Tiếp tục bám sát tình hình; kịp thời có giải pháp thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Chủ động có các biện pháp thiết thực, hiệu quả để bảo đảm các hoạt động KT-XH cần thiết, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và có các chính sách cụ thể hỗ trợ người dân, công nhân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn. Kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, đơn vị làm tốt và kỷ luật nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021

Về tình hình KT-XH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: Dịch COVID-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động KT-XH và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, gây sức ép lớn đối với lạm phát và một số ngành, lĩnh vực. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại các địa phương bùng phát dịch…

Từ phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng dự phòng hợp lý để dành nguồn phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục xu hướng tăng; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cương quyết xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài…

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

Phải làm được 3.800 km đường cao tốc trong 10 năm tới

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là phải rà soát, cắt giảm số lượng dự án, tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có sức lan tỏa cao; không để tình trạng dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực. Thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; trên cơ sở đó, làm việc với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp trong những tháng cuối năm, Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và giao Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu, đánh giá tình hình, nhận định bối cảnh tháng 6 năm 2021 và các tháng cuối năm; xác định các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đây là một việc rất khó, nhiệm vụ đặt ra trong 10 năm tới phải làm được 3.800 km. Nhiệm vụ này là một phần quan trọng trong 3 đột phá chiến lược để đất nước đi lên. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã giao nên dù khó nhưng cả hệ thông chính trị và nhân dân phải vào cuộc để thực hiện thành công.

Chính phủ thống nhất sự cần thiết của Đề án nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị xin chủ trương trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữ vùng động lực và vùng khó khăn, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Người phát ngôn của Chính phủ đã gửi tới đội ngũ những người làm báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất./.

Theo baochinhphu.vn

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.