Mới đây, một người dùng iPhone trên Reddit đã cảnh báo một lỗi chưa từng có trên iPhone. Những bức ảnh cũ, dù bị xóa từ lâu, đã xuất hiện trở lại trong ứng dụng Ảnh. Những ảnh chụp kỳ nghỉ, lưu niệm hay thậm chí nhạy cảm, tất cả đều bất ngờ quay trở lại trên smartphone người dùng.
Đến ngày 20/5, Apple cuối cùng đã thừa nhận lỗi và đưa ra cập nhật bản sửa lỗi. Nhưng sự cố này vô tình làm lộ một sự thật bị lãng quên của Internet: Nút xóa chỉ là một lời nói dối trắng trợn của các Big Tech.
Bạn đã xóa ảnh trên điện thoại, nhưng không thực sự xóa trên hệ thống
Apple đã không phản hồi về lỗi này suốt một tuần liền. Cho đến khi tung bản cập nhật iOS 17.5.1, hãng mới cho biết: “Bản cập nhật này cung cấp các bản sửa lỗi quan trọng và giải quyết một số vấn đề sự cố hiếm gặp khi cơ sở dữ liệu gặp vấn đề, khiến các bức ảnh cũ xuất hiện lại trong thư viện ngay cả khi chúng đã bị xóa”.
Theo Patrick Wardle, đồng sáng lập của start-up bảo mật cho macOS DoubleYou, các trường hợp có thể xảy ra bao gồm: siêu dữ liệu ảnh (metadata) đã đặt sai vị trí hoặc gặp sự cố trong quá trình xóa, những bức ảnh bạn xóa không thực sự bị Apple xóa, hoặc bản cập nhật iOS này không tuân thủ những tệp tin đã bị đánh dấu là xóa.
“Loại sự cố dữ liệu này chỉ được xem là một lỗi ít phổ biến. Nhưng khi có tác động trực tiếp và ngay lập tức tới người dùng, nó sẽ được chú ý nhiều hơn”, Wardle nói với Wired.
Vấn đề dường như chỉ ảnh hưởng đến một nhóm ít người dùng. Nhưng nó lại là một lời nhắc nhở rằng “xóa” là điều viển vông trong thời đại dịch vụ đám mây bùng nổ.
Ngay cả trong thời đại mà hầu hết dữ liệu số được lưu trữ trên ổ đĩa cứng, khái niệm xóa vẫn có phần hời hợt. Khi bạn đưa một tập tin trên máy tính của mình ra ngoài, bạn thực sự chỉ xóa các đường dẫn tham chiếu đến nó. Trên thực tế, tệp vẫn sẽ ở đó cho đến khi đĩa bị ghi đè bằng dữ liệu mới.
Kể từ khi iCloud ra mắt vào năm 2011 và Google Photos vài năm sau đó, các Big Tech hàng đầu thế giới ngày càng kêu gọi người dùng bỏ tiền để lưu trữ ảnh (và các dữ liệu cá nhân khác) trên dịch vụ đám mây của họ. Điều này sẽ rất hữu ích khi điện thoại của bạn bắt đầu hết dung lượng. Trong đó, Apple là cái tên hưởng lợi lớn từ hình thức kinh doanh này.
Theo Wired, việc hiển thị lại các ảnh đã xóa không phải là mới và thậm chí không chỉ giới hạn ở những tập đoàn lớn sở hữu nền tảng đám mây. Hơn một thập kỷ trước, tác giả Lauren Goode của Wired đã phát hiện điều kỳ lạ trên một ứng dụng lưu trữ ảnh cô đang thử nghiệm khi một bộ ảnh đã xóa lại xuất hiện trong ứng dụng.
Cô đã thông báo cho nhà phát triển ứng dụng và được biết đó chỉ là lỗi phần mềm. Sau đó, ứng dụng này đã được Amazon mua lại. “Điều đó có nghĩa là ảnh của tôi cũng được Amazon mua lại”, Lauren Goode kết luận.
Ngay cả khi đây không phải là lỗi, thực tế vẫn cho thấy ảnh của bạn đang được lưu trữ trên cả thiết bị của bạn và bộ nhớ đám mây của người khác. Bạn không thể sở hữu toàn bộ đám mây đó.
Bạn thuê nó từ các công ty công nghệ khổng lồ hàng tháng và phải trả một khoản phí để duy trì. Không chỉ vậy, cách thức vận hành của đám mây đó không hề mang tính cục bộ từ xa. Bạn vẫn có thể xóa ảnh của mình khỏi đám mây nhưng chỉ có bạn mới tin rằng điều đó là thật.
Muôn hình vạn trạng các kiểu “xóa” của Big Tech
“Nói khái quát, ổ cứng và dịch vụ đám mây hoạt động giống nhau. Đám mây chỉ đơn giản là máy tính của người khác. Tuy nhiên, vấn đề là đám mây phức tạp hơn. Khi bạn xóa một hình ảnh trên điện thoại, nó không chỉ xóa bản sao cục bộ trên thiết bị, mà còn phải thông báo đến máy chủ đám mây và từ đó, đến các thiết bị khác của bạn”, Wardle cho biết.
Vì vậy, nếu không có Wi-Fi và bạn xóa ảnh trên điện thoại, nó chỉ “giả vờ” xóa cho đến khi bạn kết nối lại với Internet.
Thomas Reed, giám đốc công nghệ của công ty bảo mật Malwarebytes giải thích: “Ứng dụng Ảnh trên iPhone không thực sự xóa ảnh ngay lập tức khi bạn nhấn vào nút Xóa. Thay vào đó, nó đưa những bức ảnh đã xóa vào danh sách Đã xóa gần đây và chúng không còn được liệt kê trong bất kỳ album nào nữa. Vì vậy, tệp tin thực tế vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu, nhưng cơ sở dữ liệu Ảnh nội bộ ghi nhớ rằng nó phải bị xóa”.
Trong tài liệu của Google về các dịch vụ đám mây của mình, hãng nêu chi tiết các giai đoạn xóa, bao gồm xóa mềm, xóa cứng và hết hạn. Công ty cho biết trong tất cả dịch vụ đám mây, bản sao của dữ liệu đã xóa sẽ được đánh dấu là bộ nhớ còn trống và được ghi đè theo thời gian. Giống với ổ đĩa cứng truyền thông, nút “xóa” có nghĩa là “không gian lưu trữ này còn trống cho đến khi có thứ khác xuất hiện”.
Ngoài ra, còn có tính năng xóa tạm thời. Nó được dùng khi bạn vô tình đưa nhầm tệp tin vào thùng rác hoặc hối hận hành động xóa vội vàng của mình và muốn khôi phục nó trong thời gian ngắn. Cả Apple và Google đều có chính sách lưu giữ ảnh của bạn trong 30 hoặc 60 ngày sau khi bạn xóa chúng khỏi thiết bị. Sau đó, những bức ảnh lại được cho là sẽ biến mất khỏi thiết bị của bạn.
Hay đơn cử như tính năng xóa thụ động trong Google Photos. Nếu bạn tình cờ tạo tài khoản Google Photos và quên mất tài khoản đó trong 2 năm, Google có thể tự động xóa nội dung của bạn.
Sau đó, đột nhiên một ngày nọ, những bức ảnh mà bạn tưởng đã bị xóa vĩnh viễn lại được khôi phục từ bản sao lưu iCloud cũ. Hay một lỗi iOS nhỏ nguy hiểm sẽ hiển thị lại những bức ảnh đó. Có vẻ như đây chính là nguyên nhân gây ra sự cố mới nhất trên iOS, Wired nhận định.
Không chỉ vậy, còn có một tính năng xóa nguy hiểm hơn mà bạn không bao giờ có thể hủy chia sẻ. Khi bạn đã gửi ảnh cho người khác hoặc đăng nó lên mạng xã hội, ảnh đó sẽ nằm trong tay những người khác. Họ có thể tải xuống, chụp ảnh màn hình hoặc chia sẻ nó ở nơi khác. Vì vậy, ngay cả khi bạn đã xóa nó khỏi thiết bị của mình, các bit (dữ liệu) cá nhân của bạn vẫn còn ở đó.
Vì vậy, những bức ảnh của bạn có thực sự bị xóa không? Có nhưng thực ra là không. Có lẽ các công ty công nghệ lớn nên nỗ lực hơn nữa để làm rõ điều này.