Chính phủ Iran ngày 6/11 tuyên bố, tới thời điểm hiện tại, nước này vẫn bán được đủ lượng dầu cần thiết bất chấp các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo cũng hối thúc châu Âu hành động quyết liệt hơn nữa nhằm bảo vệ Iran trước sức ép của Mỹ.
|
Iran tuyên bố vẫn bán được dầu bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: Indian Express |
Hồi đầu tuần này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và giao thông của Iran, đồng thời cảnh báo sẽ triển khai các biện pháp bổ sung nhằm làm thất bại điều mà nước này gọi là “chính sách ngoài vòng phát luật” của Iran. Mỹ hi vọng có thể buộc Iran đàm phán về việc chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như sự can dự vào các cuộc xung đột tại khu vực như Yemen và Syria.
Lần trừng phạt này của Mỹ không chỉ nhằm vào nguồn thu nhập chính của nền kinh tế Iran là xuất khẩu dầu mỏ, mà còn nhằm vào lĩnh vực tài chính, cắt đứt 50 ngân hàng của Iran và các chi nhánh khỏi các cơ quan tài chính nước ngoài. Theo Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri, người Mỹ vẫn luôn nói, họ sẽ đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số không, song tới thời điểm hiện tại, tức là 2 ngày sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn đủ khả năng bán lượng dầu cần thiết.
Giám đốc Ngân hàng trung ương Iran Abdolnasser Hemmati thì tuyên bố, với kinh nghiệm trước đây, các ngân hàng nước này có đủ khả năng xoay xở với các lệnh trừng phạt để thúc đẩy ngoại thương và các giao dịch tài chính.
Liên minh châu Âu, Pháp, Đức và Anh, những bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đều bày tỏ lấy làm tiếc về bước đi của Mỹ và mong muốn bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu làm ăn hợp pháp với Iran. Liên minh châu Âu đang có kế hoạch thành lập một thực thể pháp lý đặc biệt có tên SPV để bảo vệ hoạt động kinh doanh dầu mỏ và các lĩnh vực khác với Iran, mà vẫn tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nhấn mạnh: “Chúng tôi coi bước đi vừa qua của Mỹ là một sai lầm và đã nói điều này nhiều lần trong suốt những tuần qua, tháng qua. Toàn bộ Liên minh châu Âu đều nhất trí với quan điểm này. Trên tất cả, chúng tôi tin chắc thảo thuận mà chúng ta đạt được năm 2015 là phương tiện hữu hiệu nhất để ngăn chặn Iran theo đuổi việc làm giàu urani cho các mục đích quân sự”.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra với Iran cũng không hề nhỏ. Bởi bất chấp sự bảo vệ của Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp lớn của châu lục như Total, Allianz và Siemens, PSA hay A.P Moller- Maersk đều lần lượt ngừng hoặc giảm các hoạt động tại Iran nhằm tránh phải chịu tổn thất từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo Thứ trưởng Iran Mohammad Kazem Sajjadpour, SPV là một cơ chế rất đáng quan tâm, song thiếu tốc độ và tính hiệu quả:
“Liên minh châu Âu đã bắt đầu làm việc về cơ chế này. Về mặt cá nhân, tôi nghĩ đây là một biện pháp rất thú vị, rất đáng quan tâm. Nhưng những gì họ còn thiếu là tốc độ và tính hiệu quả như chúng ta trong đợi. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta cần là tốc độ, sự nhanh chóng và một quá trình được xây dựng dựa trên kết quả. Bởi điều chúng ta muốn đó là kết quả”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dù tới nay vẫn chưa cho thấy ý định sẽ rời Iran, song các nước châu Âu vẫn đang tìm cách giữ chân những công ty này. Trên trang mạng cá nhân Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, Tổng thống Mỹ cuối cùng cũng sẽ phải tôn trọng Iran. Theo ông, những người tiền nhiệm của ông Donald Trump khi bắt đầu cũng theo đuổi một cách tiếp cận tương tự, song sau đó khi đã có đủ kinh nghiệm về quyền lực, họ đã phải chấp nhận và tôn trọng thực tế của Iran.
Tám nước, trong đó có Trung Quốc nhận được quyền miễn trừ tạm thời của Mỹ và có thể tiếp tục mua dầu thô của Iran. Một số nguồn tin cho biết, theo quyết định này, Trung Quốc có thể nhập khẩu 360.000 thùng dầu mỗi ngày trong vòng 180 ngày. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 6/11 cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran là bất hợp pháp.
Trong phát biểu chính thức đầu tiên của Nga về vấn đề này sau khi các lệnh trừng phạt của hiệu lực, ông Lavrov tuyên bố, Mỹ đã viện đến những phương cách không thể chấp nhận được để ép buộc các công ty tài chính quốc tế cắt đứt các mối liên hệ với lĩnh vực ngân hàng của Iran. Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này sẽ không thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, bởi không muốn sống trong một thế giới của chủ nghĩa bá quyền.
Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong số 8 nước và vùng lãnh thổ được hưởng quyền miễn trừ tạm thời của Mỹ, cùng với Ấn Độ, Hàn Quốc, Hy Lạp, Italy, Nhật bản và Đài Bắc Trung Hoa.