Mỹ nhập quốc tịch cho 2.500 người Iran theo Thỏa thuận hạt nhân 2015

Ngày 3/7, truyền thông Mỹ dẫn lời giới chức cấp cao Iran công bố thông tin gây choáng váng dư luận đó là Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã trao qui chế công dân cho 2.500 người Iran, như một phần trong quá trình đàm phán Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Mỹ nhập quốc tịch cho 2.500 người Iran theo Thỏa thuận hạt nhân 2015

Cựu Tổng thống Barack Obama đã cho phép 2.500 người Iran nhập quốc tịch. Ảnh: Sky News

Tiết lộ gây sốc

Fox News và hàng loạt hãng truyền thông Mỹ dẫn phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hạt nhân đồng thời là một thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại và An ninh Quốc gia Quốc hộ Iran, ông Hojjat al-Islam Mojtaba Zolnour, khẳng định Chính quyền Obama đã trao quyền công dân Mỹ cho 2.500 công dân Iran, trong đó có rất nhiều thành viên gia đình của các quan chức chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông Hojjat al-Islam Mojtaba Zolnour đưa ra phát biểu trên tại cuộc trả lời phỏng vấn của báo Etemad và sau đó được hãng thông tấn nhà nước Fars đăng tải.

Theo ông Mojtaba Zolnour, thỏa thuận này được các quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Iran Hassan Rouhani ủng hộ và động thái đó đã châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm trong giới chức Iran để con cái họ được trở thành công dân Mỹ.

Nhiều thanh niên là con cháu các quan chức Iran đang sống tại Mỹ sau thỏa thuận nói trên, trong đó có Ali Fereydoun, con trai của ông Hossein Fereydoun, một trong những cố vấn đặc biệt thân cận nhất của Tổng thống Rouhani. Ngoài ra, trong số 2.500 người Iran được cấp quyền công dân Mỹ còn có Fatemeh Ardeshir Larijani, con Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani.

Nguồn tin cho biết thêm Chính quyền Obama và Tehran đạt thỏa thuận này trong quá trình đàm phán Kế hoạch hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của Thỏa thuận Hạt nhân Iran đạt được tháng 7/2015 giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng thêm Đức).

Ông Zolnour hiện cũng là thành viên ban cố vấn của Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay trong 2 năm 2015 và 2016, số người sinh ra tại Iran lần lượt được cấp Thẻ Xanh (thẻ định cư lâu dài tại Mỹ) là 13.110 và 13.298, trong khi số người Iran trở thành công dân Mỹ trong giai đoạn này lần lượt là 10.344 và 9.507.

Khi được hỏi về phát biểu trên của Giáo sĩ Zolnour, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/7 nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không bình luận về bất kỳ tuyên bố nào của một quan chức Iran”. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng từ chối bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Trump đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm về hành động này.

Thông tin mới này có thể thổi bùng lên sự chỉ trích của giới chức phe Cộng hòa tại Mỹ trước những nhượng bộ của Chính quyền cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama trong quá trình đàm phán đàm thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Mỹ nhập quốc tịch cho 2.500 người Iran theo Thỏa thuận hạt nhân 2015

Cựu Tổng thống Obama và Tổng thống Iran Rouhani (phải). Ảnh: CNN

Người dân Iran cũng bất bình

Tại Iran, người dân có thể sẽ thể hiện sự giận dữ đối với giới lãnh đạo nước này.

Saeed Ghasseminejad, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ có trụ sở tại Washington, nhận định: “Nhiều người dân Iran đang ngỡ ngàng và cảm thấy bị phản bội khi con cháu các quan chức Chính quyền Iran đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Giới chức Iran hô hào chống Mỹ nhưng lại gửi con cái họ tới Mỹ sinh sống”.

Theo ông Ghasseminejad, một số người Iran đang kêu gọi Chính phủ Mỹ trục xuất những người Mỹ gốc Iran. Ông nói: “Người dân Iran không thể hiểu vì sao Chính phủ Mỹ lại cho phép con cái các quan chức Iran sống tại Mỹ, trong khi Washington lại áp lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Iran và nhiều người Mỹ bị cầm tù tại Iran. Đó là lý do vì sao nhiều người Iran trên mạng xã hội đã hối thúc Chính phủ Mỹ trục xuất con cái quan chức Iran”.

Tổng thống Trump chấm dứt JCPOA

Theo giới phân tích, việc 2.500 người Iran được nhập quốc tịch Mỹ có thể là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Trump, một người có quan điểm cứng rắn trong chính sách nhập cư và từng liệt công Iran vào danh sách hạn chế nhập cảnh, kịch liệt chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngay từ khi vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã không giấu ý định rút Mỹ khỏi JCPOA. Ngày 9/5, Tổng thống Trump đã hiện thực hóa tuyên bố này.

Mỹ nhập quốc tịch cho 2.500 người Iran theo Thỏa thuận hạt nhân 2015

Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Nhà Trắng

Phát biểu từ Nhà Trắng chiều 9/5, Tổng thống Trump nói rằng JCPOA là “một thỏa thuận tồi và quá thiệt thòi cho Mỹ”, nên ông quyết định rút khỏi thỏa thuận và Mỹ sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận "một chiều, thảm họa và không có ích gì cho hòa bình". Ông Trump cho biết thêm, dựa trên các thông tin tình báo của Israel, Chính phủ Iran đã gian dối về chương trình hạt nhân của nước này. Theo ông chủ Nhà Trắng, Iran vẫn tiếp tục là một nước bảo trợ khủng bố.

Brian Hook, Cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran, cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 6/8 tới liên quan tới lĩnh vực ô tô và kim loại. Sau đó, từ ngày 4/11, Washington sẽ áp đặt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng của Iran.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA, Iran tuyên bố vẫn tuân thủ thỏa thuận này và đang nỗ lực đối thoại với các thành viên còn lại nhằm duy trì thỏa thuận.

Ngày 2/7, Tổng thống Iran Rouhani đã bắt đầu chuyến công du được xem là "có tầm quan trọng hàng đầu" tới châu Âu để thúc đẩy nỗ lực này. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Rouhani sẽ thăm Thụy Sĩ và dự kiến tới thủ đô Vienna của Áo ngày 4/7, nơi diễn ra lễ ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử tháng 7/2015.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.