Khả năng có 9 thuyền viên bị nạn trên sà lan, tàu kéo bị chìm ở Quảng Ngãi

Sau khi chính thức xác nhận 4 thuyền viên tử vong trong vụ chìm sà lan trên vùng biển Quảng Ngãi, ngành chức năng xác định 4 người đều không có trong danh sách đăng ký và xuất bến tại cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Các thuyền viên tử vong đã được lực lượng tìm kiếm cứu nạn xác định gồm: Đặng Văn Nhung (40 tuổi), Đặng Văn Ước (57 tuổi), Võ Văn Song, Trần Văn Phúc (51 tuổi); trong đó, anh Phúc là lái xe đào đi trên chuyến tàu kéo sà lan ra công trình thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình. 3 nạn nhân được xác định quê ở tỉnh Long An, Tiền Giang và người còn lại quê tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong khi đó, danh sách các thuyền viên đăng ký trên tàu LA-06695 kéo sà lan LA-06883 gồm Phạm Văn Hiệp là thuyền trưởng, Võ Tấn Khương là máy trưởng, Võ Văn Nhiều là thợ máy, Bùi Minh Trí và Đặng Minh Phương là thủy thủ.

5 thuyền viên trên tàu kéo LA-06695 hiện vẫn chưa được tìm thấy sau hai ngày xảy ra vụ chìm tàu.

Như vậy, 4 người được xác định tử vong trong vụ chìm sà lan và tàu kéo đều không có tên trong danh sách thuyền viên lúc xuất bến. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định rõ trên tàu LA-06695, sà lan LA-06883 có bao nhiêu thuyền viên, bao nhiêu người đi trên tàu hành trình ra đảo Lý Sơn.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương, cho biết cơ quan chức năng đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời xác nhận, 4 thuyền viên tìm thấy không có trong danh sách xuất bến tại cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam. Cán bộ, nhân viên Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tăng cường lực lượng tìm kiếm ngày và đêm ven bờ biển khu vực đảo Lý Sơn.

Cùng với công tác duy trì lực lượng tổ chức tìm kiếm thuyền viên còn mất tích trên mặt nước thì lực lượng chức năng còn huy động đội thợ lặn chuyên nghiệp vào cuộc. Theo đó, ngoài tàu công vụ cùng 9 thợ lặn cùng nhân viên phục vụ trên tàu, huyện Lý Sơn cũng đưa 12 ngư dân có kinh nghiệm lặn biển phối hợp tìm kiếm. Vùng biển tìm kiếm bên dưới tàu kéo có độ sâu khoảng 50m, nhiều phương án, biện pháp tiếp cận tàu sắt bị chìm được triển khai nhưng chưa hữu hiệu vì tàu sắt chìm xuống đáy biển, nước tràn vào bên trong và trọng lượng rất nặng nên khó có thể trục vớt ngay được.

Sà lan lật úp đang được neo gần khu vực cảng Lý Sơn phục vụ công tác điều tra

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười khẳng định, các đơn vị, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn phối hợp với địa phương huy động tổng lực tìm kiếm các thuyền viên bị nạn. Tất cả các phương án khả thi đều được triển khai và tranh thủ thời gian để tìm kiếm người đang mất tích với tinh thần khần trương nhất.

Sau hai ngày xảy ra vụ chìm tàu, sà lan trên vùng biển huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, ngành chức năng vẫn chưa xác định chính thức số người bị nạn trên tàu LA-06695 và sà lan LA-06883. Vụ tai nạn liên quan đến các cơ quan quản lý tàu thuyền, vận tải biển, đơn vị thi công công trình, các nhà thầu tham gia quá trình vận chuyển thiết bị, phương tiện, vật liệu xây dựng.

Vì vậy, cần điều tra, làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất; đồng thời, đưa ra các biện pháp kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền, phương tiện vận tải ra vào cảng và thi công các công trình trên biển, hải đảo.

Theo dõi công tác tìm kiếm, cứu nạn trên hệ thống Vishipel

Trước đó, khoảng 4h ngày 24/4, tàu kéo LA-06695 kéo sà lan LA-06883 thuộc Công ty TNHH Minh Linh, hành trình từ cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam) đi huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tàu và sà lan vận chuyển đá thi công kè chắn sóng cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn.

nhandan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói