Ban tư vấn đạo đức giải thể: Vì sao Ban tư vấn phải… “tự vẫn”?

Một thông tin không bất ngờ với những người quan tâm tới bóng đá Việt: Ban tư vấn đạo đức (TVĐĐ) đã tự giải thể sau 1 năm hoạt động. Lá đơn của Ban TVĐĐ với đủ chữ ký của 7 thành viên đã được gửi VPF, VFF và được chấp nhận.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng, trước Đại hội VFF khóa 7, cũng cần phải có một Ban TVĐĐ độc lập để thẩm định những vấn đề liên quan đến đạo đức của nhiều ứng viên cho các chức danh chủ chốt của VFF.

Không được tôn trọng thì giải thể

Ngày 21.2.2013, Ban TVĐĐ của VPF ra mắt với mục đích phối hợp phòng, chống và ngăn ngừa tiêu cực bằng việc tư vấn cho VPF và BTC giải.

Ban tư vấn đạo đức dù rất cố gắng nhưng vẫn phải giải thể
Ban tư vấn đạo đức dù rất cố gắng nhưng vẫn phải giải thể

Tiêu chí là như vậy, ngay sau khi ra mắt, Ban TVĐĐ đã khá tích cực trong việc đưa ra báo chí một số vụ việc nghi ngờ tiêu cực như nghi án XMXT Sài Gòn tiêu cực trận Siêu Cúp 2013, đề xuất trừ điểm một số đội, đưa vào “tầm ngắm” những trọng tài nghi tiêu cực...

Tuy nhiên trong quá trình làm việc, Ban TVĐĐ của VPF cũng có những va đập với BTC giải và với chính “mẹ đẻ” VPF. Điển hình là việc ban này đòi thay trưởng BTC giải Trần Duy Ly. Đây là ví dụ điển hình để nhiều người cho rằng Ban TVĐĐ lạm quyền, lấn sân vào công tác tổ chức, kỷ luật của VPF và BTC giải V.League.

Từ vai trò hỗ trợ, tư vấn ban đầu, mối quan hệ giữa VPF và Ban TVĐĐ dần xa cách. Trong một cuộc họp hồi 8.2013, lãnh đạo Ban TVĐĐ thừa nhận: “Ban TVĐĐ không nhận được sự hợp tác từ BTC giải”. Một lý do khác mà lãnh đạo ban này đưa ra là phía VPF và VFF muốn xử lý các vấn đề phức tạp trong nội bộ trước, phải báo cáo nội bộ trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vinh - phó ban thường trực Ban TVĐĐ: “Trong các cuộc họp, các anh ở VFF, BTC giải phát biểu rất mạnh mẽ, rằng phải thế này, phải thế kia, nhưng khi hành động, tôi lại thấy các anh làm điều ngược lại”. Rõ ràng là trong cách làm việc, Ban TVĐĐ và VPF, VFF ngày càng có độ... vênh, thậm chí đi ngược với mong muốn của VPF để rồi, Ban TVĐĐ phải tự giải thể cùng tuyên bố: “Thiện chí của chúng tôi không được trân trọng”.

Cần một Ban TVĐĐ cho đại hội VFF?

Trong khi Ban TVĐĐ của VPF “chết yểu” thì Ủy ban đạo đức của FIFA vẫn hoạt động rất hiệu quả, thậm chí tháng 7.2013, LĐBĐ Châu Á (AFC) cũng mới thành lập Ủy ban đạo đức. Về mặt tên gọi thì các ban và ủy ban có vẻ giống nhau, đều liên quan đến đạo đức.

Tiền đạo Alaan Bruno của Than Quảng Ninh bị gãy xương mác và gần như chắc chắn sẽ phải nghỉ thi đấu phần còn lại của mùa giải 2014

Tiền đạo Alaan Bruno của Than Quảng Ninh bị gãy xương mác và gần như chắc chắn sẽ phải nghỉ thi đấu phần còn lại của mùa giải 2014

Điều khác biệt ở chỗ Ban TVĐĐ của Việt Nam có xu hướng làm “tai mắt của người hâm mộ” soi vào tiêu cực, những điểm xấu của từng cầu thủ, trận đấu để trực tiếp báo cáo (tư vấn) lên VPF và BTC giải. Còn tiêu chí của Ủy ban đạo đức FIFA hay của AFC với những chức năng độc lập là điều tra, thẩm định và xét xử có nghĩa vụ góp phần làm sạch những mảng tối trong và ngoài sân cỏ đặc biệt là sự hoành hành của nạn tham nhũng trong bóng đá.

Nghĩa là 2 chữ “đạo đức” ở đây được hiểu ở tầm cao hơn, rộng hơn. Với Ủy ban đạo đức của FIFA còn có một nhiệm vụ rất lớn là thẩm định các ứng viên vào những cương vị lãnh đạo của FIFA, hiểu theo nghĩa thông thường là muốn thành quan chức của FIFA (hay của AFC) đều phải được Ủy ban đạo đức điều tra, thẩm định về mặt đạo đức sao cho những người được chọn phù hợp với những những quy tắc và những tiêu chí đạo đức của FIFA.

Khi Ban TVĐĐ của VPF buộc phải “tự tử” thì nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến: Cũng cần phải có ngay một ủy ban đạo đức giống như mô hình FIFA, AFC để thẩm định và đánh giá đạo đức của những ứng viên các chức danh chủ chốt của đại hội VFF sắp tới.

Đây là vấn đề cần được xem xét, bởi hầu hết những ứng viên ở Đại hội VFF khóa 7 tới (dự kiến tổ chức ngày 25.3 tới) lại không hề qua một kênh thẩm định độc lập nào. Thậm chí cả một số ứng viên đã mất uy tín với giới chuyên môn, người hâm mộ, vẫn được “đặt chỗ” ở những vị trí cao trong bộ máy VFF.

“Cái chết” của Ban TVĐ dù thế nào cũng là rất đáng tiếc. Đây là hệ quả của một nền bóng đá mà cả văn hóa lẫn đạo đức bị xem nhẹ. Ở tầm cao hơn, cơ quan hay bộ phận nào có nhiệm vụ điều tra khi chính những lãnh đạo VFF có dấu hiệu vi phạm “những hành động và những phương pháp trái đạo lý, vô đạo đức và bất hợp pháp” như định nghĩa về đạo đức của FIFA?

Đạo đức xem ra vẫn là phạm trù nói, dễ hơn làm!

Theo Laodong

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast