Biểu tượng địa danh trong ví, giặm Nghệ Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Người Xứ Nghệ yêu thơ, thích ca hát và thơ ca người Xứ Nghệ - từ dân gian đến bác học - đều làm say lòng người.

Vậy, cái gì đã làm nên sức hấp dẫn của dân ca ví, giặm Xứ Nghệ? Đó trước hết là cuộc sống, tâm hồn, tính cách, bản lĩnh của người dân nơi đây. Tuy nhiên, đi sâu phân tích dân ca Xứ Nghệ, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã thống nhất rằng, bên cạnh làn điệu, thành phần hấp dẫn nhất, có giá trị nhất của nó là lời ca. Và trong các yếu tố cấu thành ca từ của ví, giặm, hệ thống biểu tượng đóng một vai trò rất quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến các biểu tượng địa danh văn hóa trong dân ca ví, giặm, loại biểu tượng xuất hiện sớm nhất trong văn hóa dân gian Xứ Nghệ.

Biểu tượng địa danh trong ví, giặm Nghệ Tĩnh ảnh 1
Trên sông Ngàn Phố

Theo GS Nguyễn Xuân Kính, Trong mảng ca dao phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, phản ánh danh lam thắng cảnh, đặc sản, thể hiện truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm hầu như không có văn bản biểu hiện (tức là loại văn bản xây dựng bằng ẩn dụ, hoán dụ tu từ - P.Q.A)(1). Mặt khác, theo GS Trần Đình Sử, dẫn ý của V. Koginov, thì từ lâu, người ta đã công nhận rằng, tên gọi địa lý, nhất là những tên gọi ít quen thuộc, có khả năng tạo ra một thứ ma thuật âm thanh và nhiều nhà thơ đầu thế kỷ XX (Nga – P.Q.A) đều sùng bái thủ pháp này(2).

Điều mà V. Koginov gọi là “ma thuật âm thanh” chính là hiệu ứng tu từ để tạo nên các biểu tượng có giá trị biểu trưng cao khi nhắc lại các địa danh nhiều lần trong các diễn ngôn văn học. Nhưng hiệu ứng này trong các diễn ngôn văn học viết ít nhiều có khác với trong văn học dân gian. Bởi vậy, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và cả trong thơ ca (dân gian và bác học), các địa danh không cần xuất hiện trong một biểu thức tu từ nào, mà chỉ cần nhắc đến chúng, thì đã gợi lên trong tâm thức dân bản địa cả một không gian văn hóa với một cảm xúc tự hào, xao xuyến.

Trong các biểu tượng địa danh văn hóa của người Nghệ, biểu tượng quan trọng nhất là núi Hồng - sông Lam. Đây là cặp núi sông đã đi vào huyền thoại với những mẩu chuyện về ông Khổng Lồ đào núi, xẻ sông. Từ huyền thoại, thần thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng, núi Hồng - sông Lam đi vào thơ ca dân gian, văn chương bác học và được bồi đắp rất nhiều tầng lớp nghĩa để trở thành một biểu trưng văn hóa tiêu biểu của người Nghệ. Do đó, với địa danh núi Hồng - sông Lam, khi xuất hiện trong dân ca Ví, Giặm, thì hoặc là gợi lên niềm tự hào, ngưỡng vọng về công lao xây dựng giang sơn, lãnh thổ của tiền nhân:

Núi Hồng ai đắp mà cao,

Sông Lam ai xới, ai đào mà sâu.

Hay về sự hiển đạt của dòng họ Nguyễn Tiên Điền:

Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,

Sông Rum hết nước họ này hết quan.

Hoặc về tinh thần đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước:

- Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,

Sông Lam hết nước thì mới để Tây

đóng đồn.

- Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,

Sông Lam hết nước thù này mới

nguôi.

- Bao giờ Hồng Lĩnh thành cồn,

Sông Lam hết nước mới hết nguồn

đấu tranh.

Biết bao chàng trai, cô gái đã từng lấy núi Hồng - sông Lam để tình tự, thề nguyền với nhau:

- Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,

Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình.

Nội dung, ý nghĩa cụ thể mà những câu ví trên đây biểu đạt là khác nhau, nhưng những ý nghĩa đó bao giờ cũng được đặt trên cái ngữ cảnh văn hóa mà địa danh núi Hồng - sông Lam gợi ra và ý nghĩa được mở rộng cũng trên cơ sở cái ngữ cảnh văn hóa đó. Thậm chí, trong một câu ví của người lao động nhằm bộc lộ sự căm giận những kẻ giàu có mà bất nhân, thâm độc, khi có sự hiện diện của địa danh Hồng Sơn, cũng gợi lên cái không gian văn hóa của xứ sở:

Nhất cao là núi Hồng Sơn,

Nhất thâm là bọn bất nhân nhà giàu.

Xứ Nghệ là “đất cổ nước non nhà” bao đời được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”. Do đó... núi sông hùng vĩ ở Nghệ Tĩnh chỗ nào cũng gắn với lịch sử. Thắng cảnh lồng trong kỳ tích, kỳ tích tô thêm ý nghĩa của thắng cảnh, làm cho thắng cảnh có linh hồn. Cái đẹp của thiên nhiên hòa trong cái đẹp của những chiến công trong lịch sử; bên cạnh lòng phơi phới, lâng lâng là niềm tự hào, kính trọng(3). Bởi vậy, không chỉ có núi Hồng, sông Lam là biểu tượng văn hóa điển hình (đã được khắc trên cửu đỉnh của triều Nguyễn) mà các núi, sông, truông, trẹm, lèn, động, dốc, khe, suối, bến, bãi, ghềnh, thác, vực,... trong xứ, có gắn với những kỳ tích, truyền thuyết về quá trình dựng nước và giữ nước của người dân nơi đây cũng hiện diện như là những biểu tượng văn hóa trong dân ca ví, giặm:

- Ai lên chốn đó Vụ Quang,

Nhớ khi Tây tả, cụ Phan dựng cờ.

- Trèo lên trên đỉnh Kim Nhan,

Quân reo Bồ Ải, sóng tràn Khả Lưu.

- Dưới bến Tam Soa sương trùm sóng vỗ,

Trên ngọn Tùng Sơn thông vũ gió gào.

Cánh buồm ngược gió lao đao,

Hận chìm đáy nước, hờn cao ngút trời.(4)

Không chỉ có các địa danh gắn liền với các sự kiện văn hóa - lịch sử mà đến các địa danh gắn với vẻ đẹp một vùng quê, vẻ đẹp tự nhiên hòa trong vẻ đẹp của truyền thống lao động cần cù và sáng tạo văn hóa, cũng luôn gợi lên những ý nghĩa biểu trưng:

- Trai Đông Thái, gái Yên Hồ,

Gặp nhau xây dựng cơ đồ cũng nên.

- Muốn ăn cơm nếp độ chà,

Muốn lấy vợ đẹp thì ra Yên Hồ.

- Thượng, Hạ là đất thanh nhàn,

Khuyên em về Thượng, Hạ cùng lập đàng bán buôn.

Nhìn chung, do khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nên cuộc sống của người xưa phụ thuộc vào thiên nhiên, bị thiên nhiên chi phối. Trong quá trình đấu tranh sinh tồn, bù vào khả năng cải tạo, chế ngự thiên nhiên còn hạn chế, họ thể hiện ước mơ chinh phục tự nhiên bằng sự đồng hóa các bản thể, hiện tượng tự nhiên. Sự đồng hóa ở giai đoạn người nguyên thủy là các huyền thoại, sau đó, khi xã hội con người phát triển cao hơn, là truyền thuyết, cổ tích và ca dao, dân ca. Các thể loại văn học dân gian ra đời sau là kết quả của việc phân giải và tích lũy các giá trị của các thể loại trước. Các bản thể tự nhiên gần gũi nhất trong không gian sống của người Nghệ là núi sông, khe suối, truông, trẹm, cồn bãi, ruộng đồng v.v... Chúng vừa là cái nôi, là môi sinh của con người, vừa là đối tượng để con người khai thác phục vụ cuộc sống. Do đó, hình tượng của chúng trong tâm trí con người đã được phổ vào những ý nghĩa nhân sinh quan phong phú, sâu sắc. Đặc biệt, với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt như vùng lãnh thổ Nghệ Tĩnh, sự quan tâm, gắn kết để nương tựa vào các bản thể tự nhiên của con người lại càng chặt chẽ. Do vậy, các biểu tượng địa danh Xứ Nghệ trong dân ca ví, giặm mới bao hàm nhiều ý nghĩa văn hóa như thế.

(1) Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB ĐHQG Hà Nội, 2004, tr. 126;

(2) Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Tác phẩm mới, HN,1987, 283-284;

(3) Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Ca dao Nghệ Tĩnh, Sở VHTT Nghệ Tĩnh xuất bản, 1984, tr.47.

(4) Đoạn thơ trong kịch thơ Cô Tám của kịch tác gia Phan Lương Hảo đã được dân gian hóa.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast