“Cường quốc” bia rượu!

(Baohatinh.vn) - Cuối tuần qua, Truyền hình Việt Nam đưa tin về cuộc khảo sát của một tổ chức quốc tế, trong đó có 3 con số đáng nhớ: Việt Nam đứng thứ nhất Đông Nam Á, thứ 3 châu Á và là một trong 25 nước trên thế giới có tỷ lệ người sử dụng lượng rượu bia cao. Với kết quả khảo sát này, Việt Nam được ví là “cường quốc” bia rượu!

Uống rượu, ngắm trăng hay xem hoa quỳnh nở là một thú thưởng thức văn hóa của người xưa. Rượu không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là dịp giãi bày niềm vui với bạn bè tri âm, tri kỷ. Chả thế mà dân gian có câu: “Rượu ngon phải có bạn hiền”. Nhưng “rượu ngon” và “bạn hiền” không có chuyện “chén tạc”, “chén thù” quá độ, để “rượu vào lời ra, trời đất nghiêng ngả”. Những thứ rượu chủ nhà dùng tiếp đãi khách phải là rượu chưng cất từ nếp quê, được đựng trong bầu lâu ngày và rót ra từng “chén nhỏ mắt trâu”.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Rượu ngày xưa mặc dầu ít độc tố nhưng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng đã khuyên răn mọi người: “Nếu uống nhiều rượu sẽ phát cuồng, hại tỳ, suy gan và ngưng mạch máu”. Rõ ràng, uống rượu quá đà sẽ chuốc lấy những hậu quả bi đát.Thế nhưng, điều đáng buồn ở Việt Nam, một đất nước đang thời kỳ đổi mới về văn hóa và kinh tế, lại là quốc gia có tỷ lệ người uống rượu nhiều nhất Đông Nam Á. Từ Sài Gòn, Hà Nội, đến Cao Bằng, Lạng Sơn ra tới tận Hòn Khoai (Cà Mau), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)... đâu đâu cũng thấy các nhà hàng bày đủ các thứ rượu nội, ngoại…

Những chai rượu ngoại đắt tiền mang thương hiệu của Anh, Pháp, Nhật..., thật giả đến đâu chưa rõ, chỉ biết rằng người mua phải trả tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mỗi chai. Nhưng cay đắng hơn cả người mua nhầm là người sử dụng rượu ngoại giả... Nặng thì ngộ độc phải đi cấp cứu, nhẹ cũng bị các độc tố ngấm dần vào nội tạng, phát sinh các bệnh như ung thư, xơ gan, teo gan, suy tim, bại liệt thần kinh…

Còn nhớ, năm ngoái, một ca ngộ độc tập thể ở Quảng Ninh do uống rượu dởm làm 6 người tử vong. Trong gia đình có người nghiện rượu, dầu là nông dân hay cán bộ, công chức, tổ ấm cũng trở nên mong manh.

Hậu quả nhãn tiền nhưng hiện nay, không riêng Hà Tĩnh, tại nhiều địa phương, tình trạng tụ tập chúc nhau rượu đến “tràn ly”, “tẹt ga”, “cạn đáy”... diễn ra phổ biến. Nhiều mâu thuẫn phát sinh dẫn đến đâm chém nhau, thậm chí giết người... Trong các dịp lễ, tết, tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã xẩy ra các vụ tai nạn giao thông mà một trong những nguyên nhân là do rượu.

Từ 2 năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành một số chỉ thị nghiêm cấm cán bộ uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa các ngày đi làm. Đại bộ phận CBCCVC các cơ quan, đơn vị đã gương mẫu thực hiện, nhưng tệ nạn uống rượu ngoài giờ hành chính vẫn còn phổ biến, không ít người vẫn quan niệm “biết uống rượu là biết đi đầu trong đổi mới giao tiếp”.

Ban hành chỉ thị là cần thiết. Điều quan trọng, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Người đứng đầu trong tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ càng có chức vụ cao càng phải hết sức gương mẫu. Cần phải thiết lập các đường dây nóng để theo dõi và giám sát đối với những đối tượng nghiện rượu và phát động nhân dân tố giác những người uống rượu say, gây mất an ninh trật tự.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast