Đền Đại Hải lưu giữ 17 đạo sắc cổ.

Có 17 đạo sắc cổ đang được lưu giữ tại đền Đại Hải, thuộc xóm Đại Hải (Thạch Hải - Thạch Hà) vừa được nhóm cán bộ chuyên ngành Bảo tàng Hà Tĩnh phát hiện trong quá trình triển khai khảo cứu các di tích ven biển vào ngày 10 - 4.

Sắc Cảnh Hưng phong tặng mỹ tự cho Đại vương Chiêu Trưng Lê Khôi
Sắc Cảnh Hưng phong tặng mỹ tự cho

Đại vương Chiêu Trưng Lê Khôi

Do được người dân bảo lưu tốt nên các đạo sắc được phát hiện hầu như đang còn nguyên vẹn. Khổ giấy đều nhau (1.20m x 0.65m) với 2 loại màu (vàng đậm và vàng nhạt). Các họa tiết trang trí, chữ viết trên nền giấy, ấn dấu của triều đình còn rõ.

Trong số 17 đạo sắc thì có 5 đạo thuộc thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 -1786) và 12 đạo thời Nguyễn với các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Khải Định, Tự Đức...Nội dung chủ yếu phong mỹ tự, phong thần cho các vị nhân thần, như: Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Hoàng Tá Tốn (Sát hải Đại tướng quân), Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi và các vị nhiên thần: thần nhân ngư (cá ông), Tứ vị thánh nương, Song đồng ngọc nữ...

Cũng trong chiều ngày 11-5, ông Ngô Văn Bình (80 tuổi), tộc trưởng dòng họ Ngô ở xóm Bến Toàn, xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) chuyển đến phòng quản lý di sản (Sở VH,TT&DL) tìm hiểu nội dung 7 đạo sắc cổ. Qua nghiên cứu ban đầu được biết, 7 sắc phong này là sắc thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, nội dung chủ yếu phong tước cho ông Ngô Văn Nguyên và ông Ngô Văn Sài đã có công trong việc phò vua Lê cứu dân giúp nướda. Các đạo sắc này không còn nguyên, viền sắc phong đã bị xơ nát, 2 đạo đã bị mất ấn triện nhà vua và một số chữ.

Theo các nhà nghiên cứu văn tự cổ, các đạo sắc trên là sưu tập sắc quý cần được phiên âm, dịch nghĩa để phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử vùng đất, lịch sử dân tộc, địa danh làng xã cổ qua các giai đoạn cũng như công trạng của các nhân vật và tín ngưỡng thờ nhân thần, nhiên thần của người dân Hà Tĩnh nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast