Nao nao lòng đứa con ở nơi xa

(Baohatinh.vn) - Trong chương trình Euroshow giới thiệu những bài hát được yêu thích, VTV4 đã đưa đến người nghe bài hát Điệu ví giặm là em qua giọng hát của nữ ca sĩ Bùi Lê Mận, nhạc của Quốc Nam và lời thơ Lê Quang Thắng. Nỗi nhớ da diết quê hương, gia đình, bè bạn trỗi dậy.

Bùi Lê Mận trong phút thăng hoa cùng "Điệu ví dặm là em"
Bùi Lê Mận trong phút thăng hoa cùng "Điệu ví dặm là em"

Bài ca đưa ta trở lại với những kỷ niệm thật quen thuộc, yêu thương biết nhường nào. Những câu ca gợi nhớ, gợi thương với lòng người xa quê, để không nguôi ước mong một lần được nghe câu ví giặm đượm tình người, tình đất của quê hương Nghệ Tĩnh. Tâm trạng người nghe đúng như tác giả đã viết: Nao nao lòng đứa con ở nơi xa…

Từ trước đến nay đã có nhiều ca khúc viết về Nghệ Tĩnh của các nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý với Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Trần Hoàn với Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh hay Đỗ Nhuận, Doãn Nho v.v… Tuy nhiên, ca khúc Điệu ví giặm là em trữ tình, mộc mạc, gắn bó với những kỷ niệm thân thương, gợi những tình cảm trìu mến với quê hương, lắng đọng lòng người khiến ai đi xa mỗi lần nghe lại cũng bồi hồi, nhớ nhung, xao xuyến.

Lê Quang Thắng, bút danh Lê Văn không những là một nhà kinh doanh giỏi mà còn là một nhà thơ với một số sáng tác đã được bạn đọc biết đến. Anh đã xuất bản hai tập thơ: Quên và nhớ, Vệt thời gian còn lại. Những bài thơ anh viết về tình yêu, quê hương với lời thơ chân chất, mộc mạc, giản dị như chính con người anh. Trong anh, tình thầy - nghĩa bạn lớn hơn cả và luôn đong đầy những kỷ niệm. Vì vậy, lời ca của giai điệu thắm đượm tình quê, ngân vang, lắng đọng trong hồn người bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, neo đậu một hồn quê sâu thẳm.

Cả tuổi thơ gắn bó với miền quê Nghệ Tĩnh, mặc dù đó là quê hương thứ hai, nhưng dường như điệu hò ví giặm đã ăn sâu vào tiềm thức của anh và cũng từ khi nào đã trở thành máu thịt: “Khúc dân ca có từ trong máu thịt/ Không thể dối lòng làm sống dậy một hồn quê”. Có lẽ trong anh, điệu ví giặm vốn nằm im trong sâu thẳm tâm hồn bỗng một ngày trở nên sống động và ký ức của anh như được thắp bừng lại: “Rồi một chiều chợt nhớ quê hương/ Nghe em hát dân ca xứ Nghệ/ Câu hát ru như một thời thuở bé/ Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa”.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được nhận bằng công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia và ngày 23/3/2013 được chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Điệu dân ca là con đẻ của một vùng đất cổ xưa, bao đời là phên dậu, điểm đến của những con đường lịch sử từ phía Bắc vào và từ phía Nam ra. Có lẽ Lê Quang Thắng đã thành công phần lời ca nhờ vào cái quyến luyến, cái nhớ khôn nguôi, cái buồn thăm thẳm và cái đơn sơ, mộc mạc của giọng Nghệ Tĩnh trọ trẹ. Anh đã bắt được cái tính cách của người Nghệ Tĩnh, thật thà, ngay thẳng, ít dối lòng và dũng cảm đến ngang tàng.

Bao đời nay, người dân xứ này, dù sống ở đâu, hai đặc tính sống thật và dũng cảm không dễ trộn lẫn. Chính vì nắm bắt được đặc tính đó của quê hương mà cả thi sĩ và nhạc sĩ đã chạm được vào cái thăm thẳm của con người và dân ca, chạm được vào nỗi buồn sâu thẳm, nỗi nhớ khôn nguôi trong hai tiếng quê hương: “Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi!/ Sao điệu ví nghĩa tình đến thế... Nhưng, điệu ví theo anh về mãi mãi/ Anh cứ mơ hoài điệu ví giặm là em". Tác giả đã lấy đầu đề bài thơ Điệu ví giặm là em như ngầm ví “điệu ví giặm” chính là “em”, là người con gái quê nhà mà người con trai từng thương, từng nhớ. Và rồi, trong những bận rộn của đời thường, bỗng nhiên: “Nghe em hát dân ca xứ Nghệ/ Câu hát ru như một thời thuở bé/ Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa/ Điệu ví quê hương giữa bộn bề bận rộn”.

Câu thơ: “Ai đi xa mô đó”, hay “Em cứ đùa anh nỏ cho và nỏ lấy” với những từ ngữ địa phương âm điệu khó nghe nhưng dịu dàng và quyến rũ đã làm người nghe cảm thấy mảnh đất quê hương sao mà gần gũi, thân thương đến thế. Tình quê hương thấm đẫm trong mỗi câu thơ của tác giả. Và rồi, cũng từ tình cảm với người con gái quê hương, anh như muốn mời gọi người thân, bạn bè trở về Hà Tĩnh, không chỉ là người quen mà cả người xa lạ: Mời anh về Hà Tĩnh/ Ơi khúc hát sông quê/ Ai đi xa mô đó/ Nghe thân thương như dòng sông thuở nhỏ/ Ai lạ, ai quen sao nỡ không về. Ca khúc được phát triển khá hợp lý ở thể hai đoạn, mạch lạc, chặt chẽ, khiến người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Cùng với tài năng của nhạc sĩ Quốc Nam, bài thơ đã trở thành một giai điệu tuyệt đẹp khiến ai đã nghe rồi vẫn muốn nghe nữa, nghe mãi. Nhạc sĩ đã thấu hiểu nỗi niềm quyến luyến quê hương từ sâu thẳm trong lòng thi sĩ để biến mỗi từ, mỗi câu thơ thành âm điệu và cả bài thơ đã thành một giai điệu mượt mà, êm dịu và phóng khoáng.

Thật khó diễn đạt bằng lời tâm trạng của những người được nghe dân ca quê hương khi ở xa Tổ quốc. Và Điệu ví giặm là em là một trong những ca khúc như vậy. Mỗi lần nghe, mỗi lần cảm nhận là một lần đắm mình vào hồn quê hương, hóa thân trong những lời ca ấy. Mặc dù hai phần của bài hát chưa thật cân xứng, nhưng ngôn từ chân thật đến nao lòng, diễn tả nỗi niềm sâu kín khiến cho ta mỗi lần nghe là một lần thấm cảm, một lần trở về với cội nguồn yêu thương để đối diện với chính mình mà biết sống và ước mơ.

Là những người sống xa quê hương nhiều năm, tôi thầm nghĩ, người Hà Tĩnh sống ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có không ít người thành đạt không thể không mủi lòng nhớ về một hồn quê khi nghe bài hát này. Hà Tĩnh còn nghèo, cũng là cái nghèo chung của đất nước. Hy vọng rằng, “Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi!” sẽ dần hòa nhập vào trào lưu của dân tộc cũng như thế giới và phát triển mạnh mẽ. Xin cám ơn thi sĩ và nhạc sĩ, những người đã sáng tác nên một giai điệu hay và được nhiều người yêu thích.

GV Đại học Hà Nội, cán bộ nghiên cứu tại Đại học Sorbonne – Paris

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast