Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền

“Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non(…)Và chúng con hôm nay như ùa vào lòng mẹ…”, những câu hát hào hùng mà thiết tha của nhạc sỹ An Thuyên bao giờ cũng trở về giữa cuộc sống bộn bề của tôi trong ngày truyền thống của phụ nữ Việt… Trở về tự nhiên như đã được lập trình sẵn, trở về như một sự nhắc nhớ tôi soi mình vào đó để sống tốt hơn với đời…

Thêm một mùa phụ nữ nữa lại đến trong âm sắc đất trời, trong từng nhịp trái tim hồng tươi trẻ của chúng tôi. Ngày vui ấy, các mẹ, các chị sẽ được sống trong những khoảnh khắc hạnh phúc của niềm vui hạnh ngộ, sum vầy, của sự tôn vinh… Và hẳn rằng ai cũng luôn dành ra một góc trang trọng nhất trong tâm hồn mình hướng về các mẹ - những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người mẹ đã hiến trọn đời mình cho đất nước và cũng là những người mẹ chung của hàng trăm, hàng ngàn đứa con Việt Nam.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mang tầm vóc quốc gia đã chính thức khởi công xây dựng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ngày 27-7-2009 - Ảnh: Internet.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mang tầm vóc quốc gia đã chính thức khởi công xây dựng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ngày 27-7-2009 - Ảnh: Internet.

Tôi cũng vậy. Những ngày tháng Mười cấp tập công việc, dù phải đi đâu, đến những nơi nào đi nữa, cũng không thể không đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh thăm 2 mẹ Nguyễn Thị Giáo và Đậu Thị Phố. Hai mẹ đều đã trên dưới chín chục tuổi đời, đều có con trai duy nhất là liệt sỹ, cùng không nơi nương tựa và được trung tâm đón về phụng dưỡng.

Tôi vẫn nhìn thấy trên mỗi nét hằn gấp trên khuôn mặt các mẹ những nỗi buồn cô đơn chôn sâu trong đó. Mỗi lần đến đây tôi đều thấy mẹ ngồi như pho tượng buồn, mắt rưng rưng lệ. Mẹ cô đơn hơn hàng ngàn lần tôi nghĩ. Nỗi cô đơn không sự quan tâm, chăm sóc nào có thể phủ lấp và thay thế được. Tôi chợt hiểu, dù cho hàng ngàn đứa con của Tổ quốc có ùa vào lòng mẹ đi chăng nữa thì cũng chẳng thể nào khỏa lấp nỗi nhớ đứa con dứt ruột của mẹ.

Mẹ Phố nói với tôi bao điều về niềm vui được quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội nhưng riêng một điều dù mẹ không nói tôi vẫn nghe nó dội về qua từng lớp sương mù mắt mẹ, qua cung âm trầm buồn của giọng nói - ấy là niềm thương nhớ xót đau người con trai mẹ từng mang đầy bụng, mẹ từng bồng trên tay, từng ôm ấp trong lòng giờ đã yên nghĩ trong lòng đất mẹ….

Trong 25/ 536 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của Hà Tĩnh, dù tôi chưa có cơ hội gặp được hết nhưng tôi vẫn tin rằng tất cả các mẹ đều mang nỗi lòng như vậy… Và đất nước này, núi sông này đã hàm ơn mẹ bằng cách mang trong mình hình hài con mẹ dù ở nơi đâu cũng đầy yêu thương, vỗ về.

Sáng tháng Mười xào xạc gió, những chiếc là vàng mùa thu vẫn thả la đà trên mái phố. Có một nỗi niềm nhói xót len lỏi trong lòng tôi khi nghĩ đến buổi xế chiều cuộc đời các mẹ. Rồi một ngày những chiếc lá vàng ấy cũng rơi về cội, nhưng mẹ ơi, núi sông này sẽ đời đời biết ơn các mẹ và chúng con sẽ luôn khắc ghi trong lòng hình dáng mẹ, để trong mỗi nhịp đời dù trầm, dù bổng, chúng con luôn thấy mình hạnh phúc vì một cuộc sống đủ đầy…

Chiều qua, đi về trên con đường nắng tắt, ở đó có những chùm hoa loang niên đang bật nụ xòe hoa, tôi chợt liên tưởng đến những thế hệ phụ nữ Việt. Ngay cả trong hoàng hôn của đời mình họ vẫn kiên cường, lặng lẽ hiến dâng như chùm hoa ấy lặng lẽ nở trong chiều nắng tắt. Chẳng thế mà các mẹ dù nhiều xót đau vẫn sống và không thôi hy vọng vào những điều kỳ diệu của cuộc sống, rằng biết đâu một sớm mai kia đứa con mẹ đợi chờ sẽ trở về bên mẹ… Và chính trong khoảnh khắc bước chân đi trong chiều phai đó, những cảm xúc thiêng liêng các mẹ bỗng ùa đến trong tôi.

Đó đâu chỉ là sự cảm phục về sự kiên cường, là niềm kính yêu tự hào đối với các mẹ mà đó còn là sự ám ảnh về nỗi cô đơn, niềm thương nhớ khôn nguôi mẹ hoài mang trong lòng. Những câu chuyện về người mẹ Việt Nam anh hùng tận trời Nam xa xôi mà có lần nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng kể cho tôi nghe lại thức dậy rưng rưng. Trần Hồng có lẽ là người chụp thành công nhất chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, ông có nhiều cơ hội gặp nhiều bà mẹ trên mọi miền đất nước và trong ông đầy ắp những câu chuyện cảm động.

Có lần ông đến chụp một bà mẹ ở Thủ Đức (TP HCM), mẹ nhìn thấy bộ quân phục ông mặc đã nghĩ con trai mẹ đang trở về và khóc, với mẹ ai mặc quân phục cũng có thể là con trai của mẹ hết. Thế mới biết chiều dài, chiều rộng của nỗi đợi chờ và hy vọng trong lòng các mẹ … Hay lần ông đi chụp ảnh mẹ Nguyễn Thị Khánh ở Kiên Giang, bốn lần đến đều không chụp được ảnh vì cả hai mẹ con cùng khóc, phải đến lần thứ 5 Trần Hồng mới chụp được bức ảnh khắc họa nỗi cô đơn tột cùng của mẹ - bức ảnh mẹ ngồi một mình bên mâm cơm cùng chú mèo nhỏ.

Còn nhớ lần tôi tới thăm mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Thuần ở Sơn Trà (Hương Sơn) có 3 con là liệt sỹ cũng là một cuộc gặp gỡ nhiều nhói xót. Giờ mẹ Thuần vẫn vui vầy với cháu con nhưng cầm bàn tay gầy khô của mẹ, nghe rõ tiếng những mạch máu di chuyển trong cơ thể mẹ tôi mới có thể tận tường nỗi đợi chờ đến khô mòn của mẹ. Bàn tay ấy năm xưa hẳn cũng thật mát lành trong tiếng đưa nôi, trong từng ôm ấp yêu thương. Cũng bàn tay ấy, giờ đây như khô cứng đi sau mỗi lần mẹ nâng niu lần giở di ảnh 3 đứa con trai mình… Tự hỏi, có bao nhiêu người mẹ đang trải qua những tháng ngày như thế.

Chiến tranh đã qua rồi, những đổ nát hoang tàn trên thân mình Tổ quốc cũng đã dần hồi sinh mạnh mẽ, thế mà riêng nỗi đau trong lòng mẹ thì vẫn chẳng thể phai dần theo tháng năm. Ngày nay Nhà nước và cả xã hội quan tâm, chăm sóc các mẹ rất chu đáo, đó là nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của lòng biết ơn chân thành an ủi lòng mẹ, hẳn những điều đó cũng sẽ giúp các mẹ vơi đi phần nào nỗi cô quạnh trong lòng.

Tháng Mười 2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast