Thương nhớ sông quê

(Baohatinh.vn) - Dòng sông chảy giữa quê hương ví như mái tóc buông dài của người thiếu nữ. Mạch nước chảy qua đất đai làng quê cũng như mạch máu trong cơ thể con người. Từ thuở khai thiên lập địa, quê tôi đã sống với dòng sông êm đềm thao thiết chảy. Làng quê thuần hậu xanh tươi đôi bờ. Dẫu bao thiên biến lở bồi, vẫn một dòng trong mềm mại chảy.

Quê tôi, nơi hợp lưu đôi dòng Ngàn Mọ, Rào Cái và Hà Hoàng mà thành ngã ba Hộ Độ rồi xuôi về cửa biển. Băng qua những nhọc nhằn, ghềnh thác của dãy Trường Sơn, dòng Ngàn Mọ xuôi về hạ du êm đềm như dải lụa. Lại nữa, con sông Hà Hoàng vốn là dòng chảy qua địa giới của Can Lộc, Lộc Hà. Câu “Đầu Mênh (Minh) cuối Sót” là chỉ một nhánh nhỏ bắt nguồn từ sông Lam qua những làng mạc xanh tươi đất Thiên Lộc xưa mà đổ về ngã ba Sơn. Là vì có một nhánh nhỏ Minh Giang từ làng Vân Chàng xuôi mãi trên địa giới Can Lộc. “Sông dài thì lắm đò ngang, em nhiều nhân ngãi thì mang thêm sầu”.

Ảnh: Mạnh Hà

Ảnh: Mạnh Hà

Miền Hà Hoàng trên đất đội Sơn (Thạch Hà) có Đòi mẹ, Đòi con dắt díu nhau bìn rịn đến nỗi, đá nổi lô nhô trên mặt sông nên mới có tên gọi Thạch Hà. Khi bình minh hồng tươi từ biển hay hoàng hôn buông xuống từ rặng núi mờ xa, vòng thời gian nhuộm tím đời sông. Một đời nhẫn nại, bao dung, âm thầm tắm mát cho cuộc đời. Bao đời nay, cư dân lưu vực ngã ba sông luôn tắm mình bởi dòng trong xanh biếc. Bởi những bãi bồi phù sa miền châu thổ. Bởi cá tôm và thủy sản từ dòng sông không bao giờ vơi cạn.

Chiều về theo ngọn nồm lên, những con thuyền đè sóng tìm hướng mưu sinh. Bao cánh buồm xuôi ngược thương hồ. Có những khi xuôi chèo mát mái, sông lặng nước êm, những bóng buồm nâu căng tròn như khuôn ngực dậy thì của thôn nữ ra sông giặt lụa. Con sông chính là con đường giao lưu, kết nối bao miền quê cho tình đời thêm gần gũi.

Trông cho sông lặng nước êm

Thuyền anh bẻ lái ngược lên chợ Chùa

Dòng sông như mạch đời không ngừng tuôn chảy cho xuôi ngược tương phùng. Cho thôn thợ giao thương và cho bao đôi lứa nên duyên giữa cuộc đời bình dị. Dòng sông cứu cánh cuộc đời, vừa tô điểm bức tranh thủy mạc làng quê, vừa nuôi sống bao thế hệ con người. Với người dân quê tôi, bóng hình dòng sông yêu thương luôn chập chờn trong giấc ngủ. Tiếng mõ chài từ làng Canh Thượng vọng về Canh Hạ. Chờ cho sáng rõ mặt người, các bà, các chị lại đem sản phẩm mồ hôi và làn nước trong xanh về tứ xứ như chia hương vị cho cuộc đời.

Theo dòng thời gian, bao thế hệ con người gắn bó máu thịt với dòng sông, thủy chung với mạch nguồn sự sống. Và con sông vẫn mải miết nuôi người. Sông quê ví như tấm lòng người mẹ, đùm bọc, chở che, vắt sữa nuôi lớn cuộc đời, chỉ biết cho mà chưa hề biết nhận về mình sự nghỉ ngơi, dù trải qua bao nhọc nhằn, đài tải.

Từ bao đời, cư dân làng quê nương nhờ dòng sông. Làng mạc vẫn một màu xanh nguyên sơ. Thuở chiến tranh binh lửa cũng như ngày quốc thái dân an, con người thủy chung với dòng sông quê muôn thuở. Những con thuyền cày trắng sóng trên mặt nước ví như đường cày trên cánh đồng tìm hạt lúa, củ khoai. Mùa vụ tôm cá cũng như mùa vàng hai sương, một nắng. Cuộc đời cần lao mang vị mặn chát mồ hôi cho cơm áo đời thường. Trên bước đường đổi mới, nhiều cách làm ăn mới. Con người nuôi trồng thủy sản, hạn chế đánh bắt tự nhiên. Hệ thống đê điều chỉnh trang cho dòng chảy cố định và hiền hòa. Dưới làn nước xanh trong lớn ròng theo thủy triều là cuộc sống, là trên bộ, dưới thủy để dân quê tôi sinh cơ lập nghiệp.

Cộng đồng cư dân quê tôi luôn coi dòng sông như máu thịt. Ngã ba Hộ Độ, nơi hợp lưu đôi dòng chảy về Lạch Sót, đôi bờ xanh mướt bãi bồi, làng mạc, xóm thôn phô mình trong nắng mới. Và ở đâu có con người là ở đấy có đức tin. Những mái đình cong in hình rêu phủ. Những nhà thờ dòng họ nối nhau mọc lên. Điều đặc biệt là bên dòng trong hiền hòa là bóng dáng thâm nghiêm của ngôi chùa Phổ Độ. Con người vất vả mưu sinh nhưng lại có niềm tin như con thuyền dù xuôi ngược thương hồ vẫn tìm về bến đỗ. Dòng sông, làng quê và mái chùa soi bóng sóng xanh là nét đẹp hữu tình, duyên dáng của làng quê Việt Nam.

Buổi sáng trên dòng Rào Cái (Ảnh: Mạnh Hà)

Buổi sáng trên dòng Rào Cái (Ảnh: Mạnh Hà)

Sông quê vẫn âm thầm, nhẫn nại chảy giữa làng quê thân thuộc. Cũng sông kia, quê ấy mà một ngã ba Hộ Độ giờ đã khác xưa. Khách thương trao đổi, dân tình ấm no. Những mái ngói đỏ tươi quyện trong dòng xanh khi gió chiều lồng lộng. Những con thuyền vẫn mải mê đời sông nước mặn mòi. Chẳng phải vàng son lộng lẫy, không đài các kiêu sa, dòng sông quê vẫn màu xanh nguyên thủy. Ở đó là sự sống, là giá trị tâm hồn thuần hậu, là nỗi nhớ thương của người quê xa xứ. Một bóng cầu vắt giữa hoàng hôn, một con đò trầm mặc vít sào cong chờ người trở lại. Tất cả làm nên một duyên quê bình dị mà sâu lắng tình đời.

Dòng sông quê thương nhớ như mạch đời không ngừng tuôn chảy. Mỗi tâm hồn đều tắm gội nước sông mà nên vóc, nên hình. Còn nghe tiếng sóng vỗ lòng ta khi nồm nam bừng dậy. Và trong giấc mơ êm đềm, cánh buồm nâu no gió đưa ta về làng quê yêu thương. Hồn ta đẫm dòng trong. Dòng trong thủy chung hiền lương nuôi ta thành con người thuần hậu, có nghĩa, có tình.

Những con thuyền, những ngư phủ lại vung chèo, no gió, tha hồ xuôi ngược sông quê. Ôi quê hương, sức sống diệu kỳ như mạch nguồn không bao giờ tắt...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast