U23 Việt Nam đáng thương, hơn đáng trách

Khi cái gốc đã hỏng thì tiếp tục dè bỉu cái ngọn dở cũng chẳng có ích gì. Tất cả những chỉ trích nên chỉ dừng lại ở mức xây dựng, tức là khi chặng đường còn chưa kết thúc. Chúng ta chỉ có thể điều chỉnh thái độ thi đấu của U23 Việt Nam bằng những phản biện, chứ không thể làm gì trước sản phẩm của một hệ thống sai lầm.

U23 Việt Nam đáng thương, hơn đáng trách ảnh 1

Chặng đường của U23 Việt Nam đã dừng lại, và thay vì tiếp tục chỉ trích các cầu thủ và tự than trách rằng đã đặt niềm tin nhầm chỗ, hãy để dành niềm tin ấy cho những gì xứng đáng hơn.

Cơ bản và thiếu cơ bản

U23 Singapore và cả U23 Malaysia thực tế không có gì xuất sắc. Các cầu thủ của họ đều chơi ở mức tròn vai, không có đặc điểm gì nổi trội. Họ không có ai được gọi là “Ronaldo xứ Nghệ” như chúng ta ví von về Phi Sơn. Họ cũng chẳng có một cầu thủ tạo đột biến tốt cỡ Văn Quyết.

Nhưng đó cũng là… điểm mạnh của họ. Vì ít cá nhân đột biến, họ phải chơi bài bản và kỷ luật. Các cầu thủ Singapore và Malaysia xử lý tình huống rất cơ bản và thành thục: Chuyền ít khi hỏng, nhả bóng lại ngay trong thế quay mặt, trong phòng ngự thì phá bóng khá chắc chắn và khi có cơ hội thì dứt điểm tốt. Những bài học vỡ lòng của bóng đá.

Ngược lại, chúng ta thường xuyên xử lý hỏng ở những tình huống cơ bản: Đỡ bóng lỗi, chuyền bóng liên tiếp vào chân đối thủ, phá bóng hỏng (hãy nhớ lại bàn thua ở trận gặp U23 Singapore) xử lý bóng với tư duy thiếu mạch lạc. Các cầu thủ của chúng ta giỏi chơi gót, đảo bóng, và tệ hơn, là có xu hướng đá tiểu xảo và khá manh động.

Hai trận thua của U23 VN ở SEA Games lần này đều là cái thua của sự thiếu cơ bản. Nền tảng yếu tạo ra sự yếu kém về tâm lý, và là cái gốc của sự đổ vỡ dây chuyền. Thất bại là điều có thể nhìn thấy trước.

Sản phẩm của một hệ thống tồi

Singapore, Malaysia và cả Thái Lan đều đã vận hành chương trình bóng đá học đường từ lâu, với cơ sở vật chất tuyệt vời: Năm ngoái, khi sang Thái Lan đá vòng bảng AFF Cup, ĐTVN không ít lần được bố trí tập ở những sân nằm trong khuôn viên trường học, nhưng không có gì phàn nàn về chất lượng sân bãi.

Đó là mô hình đã từng đưa Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành những cường quốc bóng đá châu Á. Ở Việt Nam, phải đến tháng 8/2013, bóng đá học đường mới được thí điểm ở TP. HCM.

Chọn ra một mô hình đúng và phát triển từ gốc là con đường duy nhất. Ảnh: Quang Nhựt
Chọn ra một mô hình đúng và phát triển từ gốc là con đường duy nhất. Ảnh: Quang Nhựt

Đó là lý giải cho việc thiếu cơ bản của các cầu thủ chúng ta: Những cầu thủ đi lên chuyên nghiệp có lẽ thấm nhuần các động tác phức tạp, tiểu xảo và “ăn chân” đội bạn nhiều hơn là chơi cơ bản, chắc chắn và khoa học.

Giải lần này, các cầu thủ trẻ U23 vẫn quá tập trung vào những pha phạm lỗi, đốn người và chơi khá manh động. Hôm qua, sau một tình huống cảm thấy bức xúc với trọng tài, Thanh Hiền bỗng lăn đùng ra trên sân. Một kiểu dằn dỗi tương đối trẻ con.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta chỉ trích bản lĩnh, văn hóa và đạo đức nghề nghiệp của các cầu thủ, nhưng thực tế thì có ai dạy họ những điều ấy? Thậm chí đến một tấm gương còn hiếm.

Học vấn cầu thủ thường là thấp, theo kiểu bỏ ngang việc học để đi đá bóng, hoặc là việc học không được coi trọng bằng việc đá bóng.

Trên sân, những cầu thủ trẻ lúc này biết lấy ai làm gương? Nguyễn Huy Hoàng, người đã từng đeo băng đội trưởng ĐTQG, nhưng cũng từng lao cả hai chân vào Samson năm ngoái, và dính líu đến nhiều vụ bê bối? Hay thế hệ đã từng dàn xếp tỉ số ở SEA Games 23 (và chính họ cũng là nạn nhân của các đàn anh?)?

Các cầu thủ của chúng ta đá bóng trong môi trường nào? Có phải một giải VĐQG luôn có nguy cơ tan rã vì sự cao hứng của một vài ông bầu? Một nền bóng đá ngột ngạt và đầy nghi kỵ mà không thấy vai trò của những người điều hành ở đâu? Một ông cựu Chủ tịch đã “hạ cánh an toàn” vào giờ chót? Hay một nền báo chí phản biện thiếu khách quan, hoặc là tâng bốc và nhiều bánh vẽ quá, hoặc là tiêu cực và quá cay nghiệt?

Những gì U23 Việt Nam thể hiện ở giải lần này là kết quả của một quá trình diễn ra từ rất lâu. Nhưng lại chỉ mình họ và một ông HLV phải chịu những lời phỉ báng khi thất bại. Các cầu thủ trẻ ngày hôm qua giống như là nạn nhân, hơn là những người có trách nhiệm trong một hệ thống tồi.

Hãy chăm sóc những hạt giống tốt

Đội bóng đá nữ rất đáng cảm phục, vì họ đã đem lại niềm vui cho chúng ta với sự đầu tư và quan tâm ít hơn (không thể trách ai cả, vì đó là câu chuyện về thị hiếu). Đội U19 Việt Nam, may mắn rằng không phải là sản phẩm của hệ thống này (công vun xới thuộc về học viện Arsenal JMG), cũng đã đem đến rất nhiều hy vọng.

Để niềm vui từ những hạt giống ấy lớn lên tốt hơn là chỉ trích những người không thể vượt qua được giới hạn của hệ thống. U23 Việt Nam đáng thương hơn đáng trách, và càng muốn trách U23, thì có lẽ nên tận hưởng và hy vọng nhiều hơn vào niềm vui bóng đá nữ và những cầu thủ trẻ U19 mang lại.

Với những người hâm mộ, đó là cách tốt nhất. Với những nhà quản lý, họ có thể cũng đã biết rằng trọng tâm của sự đầu tư không thể quá lệch như lúc này. Với chiến lược lâu dài, thì chọn ra một mô hình đúng và phát triển từ gốc là con đường duy nhất.

Bằng không, sẽ rất nhiều người trong chúng ta phải ngồi thở dài và chỉ trích mỗi khi đội bóng đá nam thất bại ở SEA Games.

Phạm An

Nguồn: thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast