Xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở

(Baohatinh.vn) - Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, những năm qua, Hà Tĩnh không ngừng chú trọng đầu tư cho đời sống văn hóa cơ sở. Những thiết chế văn hóa (TCVH) được đầu tư đúng mức đã phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân, giúp các cộng đồng dân cư đoàn kết, gắn bó, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bài 30):

>> Tỏa sáng giá trị văn hóa truyền thống

Chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa

Việc đánh giá sự tiến bộ của xã hội qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn không chỉ qua điều kiện vật chất mà còn ở khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và sự tiến bộ về nếp sống, lối sống, sự phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân. đời sống văn hóa cơ sở được nâng cao sẽ giúp xóa bỏ dần sự chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, vùng xa, vùng sâu, tạo sự công bằng xã hội.

Đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh ta những năm gần đây đã có nhiều đổi mới. Nhiều chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu dân cư kiểu mẫu”… được ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhiều đề án về phát triển sự nghiệp VH-TT&DL đã xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở.

Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Các địa phương đã chú ý xây dựng và củng cố hệ thống TCVH, chính sách đầu tư cho văn hóa thông tin cơ sở như xây dựng nhà văn hóa thôn, sân vận động… Các phong trào được phát động đã được quần chúng nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, có sức hấp dẫn với mọi tầng lớp nhân dân ở thành thị cũng như nông thôn. Trong đó, có những làng văn hóa đã thành mô hình học tập cho cả nước như xã Thạch Châu (Lộc Hà), Tùng Ảnh (Đức Thọ), Tiên Điền (Nghi Xuân), Kỳ Hải (Kỳ Anh)…

Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết số 11 (khóa XIV) của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành, phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có điều kiện phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Trình độ nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về văn hóa có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều công trình văn hóa, TCVH ở cơ sở đã được đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 100 hội trường văn hóa đa năng, 69 khu thể thao cấp xã, 972 nhà văn hóa thôn, 876 khu thể thao thôn đạt chuẩn (về quy mô, diện tích).

Ông Thái Văn Sinh – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình - Sở VH-TT&DL cho biết: “Chúng tôi luôn xem việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, công tác tổ chức xây dựng phải theo định hướng, chủ trương của Đảng về “Tiếp tục đưa các hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc, phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, bản, làng văn hóa, tiến tới hoàn chỉnh hệ thống TCVH bằng nguồn lực nhà nước và mở rộng xã hội hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người dân”. Nhờ đó mà từ chỗ chỉ có 5 nhà văn hóa đạt chuẩn, đến nay, đã có 100 nhà văn hóa đạt chuẩn và ý thức bảo vệ của người dân đối với nhà văn hóa nâng cao rõ rệt”.

Hiệu quả thiết thực đối với đời sống nhân dân

Có thể nói, từ khi có phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hệ thống TCVH thông tin ở cơ sở từng bước được phát triển, hoàn thiện mà trước đó, các thiết chế này ở mỗi địa phương chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhờ xây dựng được hệ thống TCVH nên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thu được những kết quả tốt đẹp. Đến nay, có 1.180 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (54,7%); 294.523 gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt tỷ lệ 79,76%); 2.671 làng (thôn, xóm) có hương ước; 136/262 xã, phường có thư viện; 262 tủ sách pháp luật; 1.895 đội văn nghệ quần chúng; 6.401 câu lạc bộ các loại, 377 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 74 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Thi kéo co ở Can Lộc
Thi kéo co ở Can Lộc

Trên cơ sở các TCVH được đầu tư khang trang, hiện đại, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, nhất là phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc thực hiện tốt 5 nội dung, 7 phong trào trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo nền tảng, động lực, sức mạnh, gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay. Mặc dù kết quả hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới đang khiêm tốn nhưng mặt bằng chung đã nâng lên đáng kể, người nông dân chung tay, góp công, góp của xây dựng giao thông, nhà văn hóa...

Đặc biệt là đã nâng cao ý thức về xây dựng chỉnh trang nhà cửa, vườn hộ, cảnh quan môi trường sinh thái… đáp ứng nhu cầu phát triển chung. Đã có nhiều khu dân cư có phong trào khá như Hưng Mỹ (Cẩm Thành), Yên Bình (Thạch Bằng), Bằng Châu (Thạch Châu), Mật Thiết (Kim Lộc), Vĩnh Thành (Hà Linh), Trường Thanh (Xuân Trường), Gia Ngãi (Thạch Long), Hòa Bình (Phù Việt), tổ dân phố 3 (Trần Phú), tổ dân phố 10 (Bắc Hà)...

Mặc dù hệ thống TCVH ở tỉnh ta chưa được đáp ứng đủ so với yêu cầu, nhưng những năm qua, với hệ thống TCVH đã có, người dân ở nhiều địa phương có điều kiện xây dựng nếp sống văn hóa và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Đời sống văn hóa cơ sở phát triển đã góp phần khơi dậy, phát huy những truyền thống tốt đẹp. Những nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình, làng quê, đơn vị được giữ gìn và phát huy, những hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast