Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Toàn cảnh hội trường tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng nay (20/10), tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà cùng các đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương tham dự phiên khai mạc.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 2 được tiến hành thành 2 đợt; khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội.

Cụ thể: đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20-30/10/2021); đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 8-13/11/2021).

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh tiến hành nghi lễ chào cờ

Tích cực hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc kỳ họp (ảnh: vtv.vn).

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Một số chỉ tiêu KT-XH tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển KT-XH.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc.

Theo chương trình đã được thông qua, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng:

Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án luật; Nghị quyết quy định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hải Phòng và xem xét, ban hành Nghị quyết chung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Thứ hai, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác.

Thứ ba, Quốc hội sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, nhiều báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Bức tranh tổng thể về KT-XH vẫn có những điểm sáng

Ngay sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Ảnh: VGP

Theo đó, năm 2021, bức tranh tổng thể về KT-XH vẫn có những điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô. Ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao. Các sự kiện lớn của đất nước diễn ra thành công tốt đẹp. Doanh nghiệp, người dân ủng hộ, đồng hành cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH.

Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển KT-XH nước ta năm 2021 còn có những tồn tại, hạn chế. Có 4 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế đạt mức khá thấp, gồm: tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; tạo áp lực cho các năm tiếp theo và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đã đề ra.

Các vị ĐBQH tại điểm cầu Hà Tĩnh

Dự báo năm 2022, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đặt ra mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Tiếp tục ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Dự kiến kế hoạch năm 2022 có 16 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP khoảng 4 %; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92% dân số...

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Dự kiến, tại phiên làm việc chiều nay, Quốc hội sẽ được nghe báo cáo đánh giá và báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 và báo cáo thẩm tra. Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói