Ngành TT&TT Hà Tĩnh phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

(Baohatinh.vn) - Ngày 12/8/2004, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 81/2004/QĐ-UB-NV thành lập Sở Bưu chính - Viễn thông (nay là Sở Thông tin và Truyền thông). Sau 15 năm xây dựng, đơn vị đã từng bước trưởng thành, hội nhập, khẳng định vai trò, vị trí của mình và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.

Ngành TT&TT Hà Tĩnh phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải cùng lãnh đạo các ban, ngành tham quan gian trưng bày Hội Báo Xuân 2019

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tích cực, chủ động tham mưu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch phát triển báo chí, quy hoạch phát triển xuất bản - in - phát hành, quy hoạch phát triển bưu chính - viễn thông, quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và quy hoạch khu công nghiệp CNTT tập trung Hà Tĩnh, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, đồng thời, tích cực tham gia rà soát, điều chỉnh các nội dung liên quan trong quy hoạch mới của tỉnh.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại thực hiện nghiêm túc.

Ngành TT&TT Hà Tĩnh phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

100% thủ tục hành chính của Sở TT&TT (37 thủ tục) đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3 (các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cơ quan báo chí địa phương, 8 văn phòng đại diện, 31 phóng viên thường trú báo trung ương và tỉnh bạn; 48 trang thông tin điện tử, 35 bản tin của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, thị xã; có 20 doanh nghiệp (DN) in và 3 công ty phát hành. Nhìn chung, các cơ quan báo chí, xuất bản đã đồng hành với sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển trên địa bàn.

Ứng dụng và phát triển CNTT tiếp tục đạt nhiều thành tựu. Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 2 đề án quan trọng là đề án xây dựng Chính phủ điện tử cấp tỉnh và đề án phát triển công nghiệp CNTT. Hà Tĩnh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thể hiện cấu trúc chính quyền điện tử bằng quyết định của UBND tỉnh.

Ngành TT&TT Hà Tĩnh phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnhtập huấn ứng dụng CNTT cho người dân, doanh nghiệp ở Hương Khê

Hạ tầng được quan tâm đầu tư, đến nay, 100% các cơ quan được trang bị máy tính, kết nối internet, tỷ lệ cán bộ cấp tỉnh được trang bị máy tính là 100%, cán bộ cấp huyện 100% (năm 2014 mới đạt 81%), cán bộ cấp xã 93% (năm 2014, chỉ đạt 40%); 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, 221/262 UBND cấp xã có cổng/ trang thông tin điện tử, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả, tích hợp cổng dịch vụ công của tỉnh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng tại 13 điểm cầu, phục vụ tốt các cuộc họp trực tuyến của tỉnh với trung ương và các địa phương; một số địa phương đang triển khai hệ thống đến cấp xã. Hệ thống các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được duy trì, bảo đảm phục vụ công tác quản lý nhà nước của các ngành, địa phương và công tác cải cách hành chính của tỉnh. Năm 2017, Hà Tĩnh ở top 10 cả nước xếp hạng về chính phủ điện tử.

Ngành TT&TT Hà Tĩnh phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Người dân được các nhân viên bưu điện hướng dẫn chu đáo các bước đăng ký cấp, đổi GPLX

Lĩnh vực bưu chính viễn thông có những bước tiến đáng kể trong xây dựng chính phủ điện tử, thương mại điện tử, đô thị thông minh. Hạ tầng mạng lưới triển khai đúng quy hoạch, là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao với các dịch vụ đa dạng, phong phú; nhiều dịch vụ mới ra đời, công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ ngày một được nâng cao, giá thành ngày càng giảm, phù hợp với nhu cầu sử dụng và thu nhập của người dân.

Mạng bưu chính công cộng được duy trì và phát triển rộng khắp theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại. Bán kính phục vụ mạng bưu chính đạt 2,36 km/điểm phục vụ; 100% xã có báo Đảng đọc trong ngày.

Ngành TT&TT Hà Tĩnh phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Lãnh đạo Sở TT&TT và đại diện Công ty CP VNG ký hợp tác hỗ trợ tại hội thảo tập huấn các quy định về quản lý đại lý internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Hiện trên địa bàn có 110 DN hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (tăng trên 50 DN so với năm 2014). Hoạt động SXKD, cung cấp dịch vụ của các DN thuộc ngành có sự tăng trưởng khá. Đặc biệt, các DN viễn thông luôn giữ được tốc độ phát triển, bình quân đạt từ 15-20%/năm. Các DN ngành tạo công việc ổn định cho trên 2.500 lao động.

Với những kết quả đạt được, tập thể Sở TT&TT đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành. Sở đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen; được Bộ LĐ-TB&XH tặng 1 bằng khen; nhiều năm liền được Bộ TT&TT, UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc...

Phát huy kết quả đạt được trong 15 năm qua, toàn thể CBCNVC ngành TT&TT tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiếp thu các thành tựu tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục đổi mới, góp sức nhiều hơn nữa vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh nhà.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast