“Đá sống” kỳ lạ ở Romania. Ảnh: aaltair/Shutterstock
Thị trấn Costești, Romania, có nhiều tảng đá rất kỳ lạ. Khác với trạng thái tĩnh tại điển hình của đá, chúng chậm rãi đùn ra các phần bên trong, thậm chí phát triển như đang sống. Chúng mang tên trovant, hay còn gọi là “đá sống”, IFL Science hôm 3/9 đưa tin.
Trovant thu hút sự chú ý của nhiều nhà địa chất và khách du lịch trong các năm qua. Có một số tranh luận về loại đá kỳ lạ này, nhưng nhiều người cho rằng trovant là những khối sa thạch với các lớp cát chắc chắn bọc bên ngoài. Chúng cứng hơn những tảng đá xung quanh, nên khi nền đá mềm hơn xung quanh xói mòn, chúng có thể nhô ra.
Khi trời mưa, nước mưa phản ứng với khoáng chất cấu tạo nên khối đá, khiến các phần bên trong rò rỉ ra ngoài và làm tảng đá trông như phát triển thêm. Điều này có thể tạo nên những khối nhô ra giống như bong bóng, trông giống như đá đang sinh thêm con. Dù vậy, quá trình địa chất này diễn ra cực kỳ chậm. Các chuyên gia ước tính, trovant chỉ “phát triển” thêm chưa đến 5 cm trong 1.200 năm.
"Trovant về cơ bản thường có hình trứng hoặc hình cầu, dù chúng có thể mang nhiều hình dạng khác nhau. Lịch sử của chúng khá đơn giản. 7 triệu năm trước có một vùng đồng bằng ở nơi ngày nay là mỏ đá. Vùng đồng bằng này chứa các trầm tích, bao gồm đá sa thạch và đá bột kết, được tích tụ và vận chuyển tới đây từ khắp nơi trên lục địa nhờ một con sông tiền sử. Sau đó, nhiều khoáng chất hòa tan vào các dung dịch chảy trong vùng lòng chảo đầy sỏi và cát này", Florin Stoican, đồng quản lý Công viên Quốc gia Buila-Vanturarita, cho biết.
"Các khoáng chất đóng vai trò như xi măng, kết dính nhiều hạt trầm tích khác nhau lại. Ngày nay, có những tảng đá trovant với thành phần rất đa dạng. Một số cấu tạo từ đá sa thạch, số khác từ sỏi", Stoican giải thích thêm.