Kí ức phiên chợ tỉnh

Chợ tỉnh, tên gọi thân thuộc của ngày chợ phiên thị xã Hà Tĩnh một thời đã lùi vào dĩ vãng... Tuy nhiên, trong ký ức của nhiều người vẫn còn lưu lại cảm giác háo hức, mong ngóng đến những phiên chợ tỉnh náo nhiệt ngày nào…

Chợ phiên. Ảnh: Đậu Bình
Chợ phiên. Ảnh: Đậu Bình

Hồi bé, tôi đã từng được nhiều lần theo mẹ đi chợ tỉnh. Thường đến mỗi phiên chợ (chợ tỉnh họp 6 phiên chính trong tháng vào các ngày: 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch), mẹ tôi dậy sớm hơn thường ngày, mặc chiếc áo voan màu đỏ để đi chợ. Sau này, tôi mới biết, mặc áo đỏ đi chợ là một trong những yếu tố cầu may của những tư thương ngày đó. Cũng vì vậy mà mỗi sáng thức dậy, thấy mẹ mặc chiếc áo đó là tôi biết hôm ấy có phiên chợ tỉnh.

Là trung tâm đầu mối, chợ phiên TX Hà Tĩnh ngày đó thu hút hầu hết người dân các địa phương trong toàn tỉnh. Mỗi phiên chợ tỉnh thực sự là một ngày hội. Từ sáng mờ đất, dòng người đã nô nức trên các ngả đường đổ về chợ tỉnh. Ngày đó, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, hoặc đi bộ với những đôi quang gánh đủ thứ, kẽo kẹt trên vai. Trên sông Cụt, không khí cũng rộn rịp không kém bởi các nhà thuyền ngược từ sông Rào Cái lên bến chợ (cầu Sở Rượu) với hàng hóa đầy khoang.

Tiếng là chợ tỉnh nhưng thực ra từ cơ sở hạ tầng đến các loại hàng hóa, phương tiện lúc đó, chợ tỉnh không khác mấy, thậm chí còn “quê kệch” hơn cả nhiều khu chợ nông thôn ngày nay. Ngoài đình chợ ở khu trung tâm khá bề thế, quy củ với nhiều mặt hàng như vải vóc, quần áo, giày dép, đồng hồ, đồ gia dụng, vẽ truyền thần…, còn lại vẫn là những hình ảnh “buôn thúng bán mẹt” với các mặt hàng dân dã như: giống vật nuôi, tre, tro, chiếu cói, than, củi, sản phẩm mây tre đan, nồi đất nung, thuốc bắc, hàng nón, hàng mã, thực phẩm... Tuy nhiên, không vì thế mà chợ tỉnh kém phần tấp nập, náo nhiệt.

Ở chợ tỉnh, người ta có thể bán bất cứ thứ gì mà mình làm ra, từ nải chuối, buồng cau, thùng giá, con gà, cái thúng... Nhưng cũng có những mặt hàng, chỉ đến phiên chợ tỉnh (chợ phiên) mới có thể mua được như: xe đạp, lợn giống, cá giống, chiêng trống, nhựa đánh bắt chim... Nhiều mặt hàng ngày nay đã vắng bóng trên các sạp kinh doanh như: kẹo dồi, kẹo kéo, nhủi đơm cá, đá đánh lửa, dầu thắp sáng, áo tơi...

Nhiều người đi chợ tỉnh không chỉ vì mục đích trao đổi hàng hóa mà còn để du ngoạn hay thưởng thức những món ăn ngon, để hò hẹn hoặc đáp ứng những nhu cầu vốn chỉ có ở chốn thị thành. Không đơn thuần chỉ là một thị trường trung tâm, chợ tỉnh còn là nơi tụ họp của nhiều thành phần xã hội, những người dân tha hương, bằng những khả năng riêng của mình để kiếm kế sinh nhai. Thực sự như những ngày lễ hội, mỗi khi có phiên chợ tỉnh, không ai bảo ai, mọi người đều chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất để đến chợ. Ngày đó, phần thưởng lớn nhất của trẻ em ở các vùng quê mà bố mẹ dành cho, đó là được cùng người lớn đi chợ tỉnh. Phiên chợ cũng là nơi hẹn gặp của các chủ hàng buôn chuyến khắp nơi và là nơi hò hẹn của không ít cặp trai gái. Người ta đi chợ còn để khoe áo quần, chiếc nón, đôi dép và liếc mắt nhìn nhau, buông lời trêu ghẹo.

Ngày nay, theo dòng chảy của thời gian, chợ tỉnh đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất giữa lòng thành phố. Những nét xưa nay không còn, nhưng mỗi khi dạo bước trên phố chợ, trong tôi vẫn đầy ắp những âm thanh náo nhiệt, những hình ảnh đơn sơ mà thân thuộc của những phiên chợ tỉnh ngày nào; vẫn hiển hiện hình bóng mẹ tôi và những cô hàng xén mặn mà trong tà áo voan đỏ, chiếc nón lá trắng tinh, những đứa trẻ xúng xính quần áo mới giữa rừng người trẩy hội… Dù sao, tôi vẫn là một trong những người may mắn, được chứng kiến và ghi lại phần nào những hình ảnh này trong ký ức.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast